Home / News / Socio-economic news / Lãnh đạo còn vô cảm, còn nạn mất cắp hành lý ở sân bay

Lãnh đạo còn vô cảm, còn nạn mất cắp hành lý ở sân bay

"Chưa thấy xấu hổ, thấy nhục về nạn mất cắp, các anh còn vô cảm, coi đây là việc của nhà hàng xóm thì vẫn còn mất hành lý", Bộ trưởng Thăng nói tại cuộc họp với lãnh đạo ngành hàng không.
 

Tại cuộc họp về tình hình mất cắp hành lý ở sân bay tại Bộ Giao thông Vận tải chiều 18/6, thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận (Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an - C45) cho biết, từ 2013 đến hết 6 tháng đầu năm 2015, tại các sân bay xảy ra trên 600 vụ trộm cắp. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, tính chất vụ việc phức tạp, nhiều vụ việc xảy ra nhưng không tìm ra được. Hành lý và hàng hóa ký gửi thường xuyên bị móc và rạch rất đúng chỗ và đúng đồ có giá trị lớn.

 

Nạn mất cắp hàng hóa còn "lan" sang của cả khách đi chuyên cơ. Thiếu tướng Nguyễn Đình Thuận cho biết, mới đây tổng giám đốc một ngân hàng đi chuyên cơ tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng mà lúc về bị mất cả một vali. Lãnh đạo Bộ Công an đi công tác nước ngoài có kiện hành lý ký gửi cũng bị mất máy tính, mất iPad.

 

"Phần lớn mất hành lý, hàng hóa ở khâu cách ly nên phải có sự móc nối", Cục trưởng C45 nói.

 

hanh-ly-5216-1434637723.jpg

Khu vực hầm hàng máy bay chưa có camera giám sát. Ảnh: Đ.Loan

 

Thiếu tướng Thuận cũng đánh giá, việc tuyển dụng nhân sự trong các đơn vị phục vụ mặt đất ngành hàng không cần phải siết lại. Có đơn vị tuyển dụng người đang bị truy nã nhiều năm, rồi còn đề bạt lên làm trưởng phòng tổ chức. Ngoài ra kiểm tra nội bộ ngành hàng không chưa đồng bộ, thiếu thiết bị kiểm soát từ cổng ra vào, việc quản lý thẻ ra vào nội bộ đối với nhân viên hàng không cũng chưa thực hiện nghiêm túc.

 

Cục trưởng A85 cũng kiến nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các đơn vị cần cẩn thận trong chính sách tuyển dụng lao động tại các cảng hàng không, đặc biệt là các nhân viên bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Đồng thời có chính sách cho lao động thời vụ, tăng cường bảo vệ nội bộ, rà soát lý lịch. Rà soát lại quy trình vận chuyển hàng hóa, thống kê đầy đủ, xác định trách nhiệm từng bộ phận, quy định trách nhiệm các lãnh đạo ca trự

 

Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh thừa nhận, số vụ phát hiện liên qua đến trộm cắp hành lý tại sân bay còn khiêm tốn. Các vụ mất cắp hành lý ký gửi hầu như rất khó kết luận trong việc phân định trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Một số đơn vị đã sử dụng camera giám sát, nhưng nhiều vị trí như hầm máy bay, hầm hàng thì camrera chưa giám sát được.

 

Về trách nhiệm đơn vị liên quan, ông Thanh cũng thẳng thắn cho hay lãnh đạo các đơn vị chưa thực sự quyết liệt triển khai đấu tranh với nạn mất cắp, chưa phân rõ trách nhiệm liên quan. Khi có hành khách khiếu nại chủ yếu gọi đến sân bay đi nhưng thời gian xử lý dài và chưa có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.

 

“Cần phải có quy chế giám sát nội bộ với các nhân viên tiếp xúc trực tiếp hàng hóa. Đối với hành lý từ máy bay xuống đưa vào quầy trả nhà ga mới phát hiện thì sẽ quy trách nhiệm do nhân viền bốc xếp”, ông Thanh đề xuất.

 

bo-truong-6625-1434674594.jpg

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo các đơn vị chưa thấy xấu hổ về nạn mất cắp". Ảnh: Đ.Loan.

 

Ngay trong cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã phê bình lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không và lãnh đạo các cảng Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng. Ông cho rằng, nạn mất cắp hành lý trong ngành hàng không là điều rất đáng buồn, đáng báo động vì không chỉ ảnh hưởng uy tín của ngành giao thông mà còn ảnh hưởng hình ảnh đất nước. Nếu ngành giao thông không giải quyết triệt để là có lỗi với người dân.  

 

“Khi khách đến nhà mình mà họ bị mất cắp, phải nơm nớp lo sợ thì mình phải cảm thấy xấu hổ. Nguyên nhân lớn nhất là lãnh đạo chưa thấy xấu hổ, thấy nhục về nạn mất cắp, các anh còn vô cảm, coi đây là việc của nhà hàng xóm thì vẫn còn mất cắp hành lý", Bộ trưởng Thăng nói.

 

Theo người đứng đầu ngành giao thông, trách nhiệm trước tiên thuộc về các đơn vị ngành hàng không từ dịch vụ mặt đất, cơ quan cảng  vụ và Cục hàng không. Ông cũng đánh giá, nạn mất cắp tại các cảng hàng không là "chuyện trong nhà" chứ không có trộm bên ngoài vào hoặc có trộm câu kết với người trong cảng. Do đó, các các giải pháp ngành hàng không đưa ra để ngăn chặn trộm cắp là chưa đồng bộ, chưa hiệu quả. Do vậy, ông yêu cầu từ nay đến cuối năm, các đơn vị phải tăng cường các biện pháp quản lý, nếu còn gia tăng mất cắp hành lý thì sẽ xử lý trách nhiệm của người đứng đầu Cục Hàng không, Cảng vụ.

 

"Không thể để nhộm nhoạm mãi như vậy được, tất cả các trường hợp không rõ ràng về nhân thân phải chấm dứt hợp đồng lao động. Camera chỉ là máy móc, con người mới là quan trọng. Các anh phải thấy lòng tự trọng bị xúc phạm thì mới giải quyết được nạn trộm cắp", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

 

Theo Cục Hàng không, năm 2013 đã có 205 vụ khiếu nại về mất cắp hành lý, trong đó sân bay Nội Bài có 56 vụ, Tân Sơn Nhất có 149 vụ khiếu nại. Số khiếu nại liên quan đến chuyến bay quốc tế là 141 vụ.

 

Năm 2014, số vụ tăng lên là 301 vụ, trong đó sân bay Nội Bài là 144 vụ, Tân Sơn Nhất là 157 vụ, từ các chuyến bay quốc tế là 178 vụ.

 

6 tháng đầu năm 2015 có 168 vụ khiếu nại, trong đó ở sân bay Nội Bài là 79 vụ, Tân Sơn Nhất là 88 vụ, số vụ liên quan đến chuyến bay quốc tế là 111 vụ.

 

Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/lanh-dao-con-vo-cam-con-nan-ma-t-ca-p-ha-nh-ly-o-san-bay-3235962.html