Home / News / Socio-economic news / Nhiều người đang tự "đốt" mình, "đốt" nhà

Nhiều người đang tự "đốt" mình, "đốt" nhà

Đó là nhận định của trung tá Nguyễn Đức Vinh, phó phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy - Cảnh sát PCCC TP.HCM, khi nói về nguy cơ tiềm ẩn cháy từ các bảng hiệu quảng cáo.

 

Vụ cháy xảy ra ngày 3-5-2014 tại quán karaoke Nhật Thực (ngõ 43 đường Giảng Võ, P.Cát Linh, Q.Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: Quang Thế

 

Hiện trường vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Quốc Thảo, P.7, Q.3, TP.HCM (tối 30-12-2014) - Ảnh: Hữu Khoa

 

Theo trung tá Nguyễn Đức Vinh, đặc thù đô thị Việt Nam là có nhiều nhà ống, chỉ có một lối ra duy nhất, phía sau đối lưng với nhau.

 

 
 

Nhà xây vài tầng vừa ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh ở dưới, kể cả hành lang cầu thang cũng rào khóa, còn phía trên thì dùng lưới sắt bịt kín để chống trộm nên khi hỏa hoạn không có đường thoát.

 

Nhiều vụ cháy xảy ra ở tầng trệt, khói theo cầu thang bốc lên làm ngạt, cháy cả nhà mà không thoát ra được do chủ nhà đã tự bít lối thoát của mình.

 

Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) cũng không ngoại lệ: xuất phát từ hộp đèn quảng cáo.

 

"Giám định thiệt hại vụ cháy trên đường Trần Quốc Thảo

 

Ngày 1-1, đại diện một đơn vị bảo hiểm đã đến hiện trường vụ cháy trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) để giám định thiệt hại của cửa hàng kinh doanh xe máy Suzuki.

 

Theo ông Phương - cửa hàng trưởng, có tổng cộng 44 xe máy, trong đó 43 chiếc mới hư hỏng hoàn toàn, cháy biến dạng với các nhãn hiệu như Viva, Hayate... đều thuộc Công ty Suzuki sản xuất (chiếc xe còn lại của bảo vệ coi cửa hàng).

 

Cửa hàng kinh doanh xe máy trên có mua bảo hiểm cháy nổ của một công ty bảo hiểm tại Việt Nam."

Thực tế tại nhiều con đường ở TP vẫn còn nhiều bảng hiệu quảng cáo, hộp đèn tiềm ẩn nguy cơ cháy.

 

Bảng hiệu che bít mặt tiền nhà

 

Ghi nhận ngày 1-1, các cửa hàng kinh doanh, shop thời trang trên các tuyến đường 3 Tháng 2, Cách Mạng Tháng Tám, Sư Vạn Hạnh, Phạm Văn Hai, Hai Bà Trưng (TP.HCM) nằm cạnh nhau và bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo cũng được đặt san sát nhau.

Để thu hút khách, dù ban ngày nhưng nhiều cửa hàng vẫn để bảng hiệu sáng đèn, chớp tắt liên tục.

 

Tấm bảng hiệu tại một cửa hàng trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) nổi trội hơn khu vực xung quanh do được thiết kế trên nền gỗ thông.

 

Tên cửa hàng được thể hiện bằng đèn ống áp sát nền gỗ thông, hệ thống đèn được bật sáng dù 12g trưa.

 

Dưới tấm bảng quảng cáo được gắn thêm nhiều dây đèn chớp tắt, cạnh đó treo hàng loạt các loại thú nhồi bông.

 

Dọc hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, 3 Tháng 2 là hàng trăm cửa hàng bán quần áo, điện thoại di động..., mỗi tiệm gắn ít nhất 2-3 bảng hiệu quảng cáo.

 

Nhiều bảng hiệu gắn đủ loại đèn chớp tắt dạng đèn huỳnh quang, đèn LED, đèn cao áp... Có những bảng hiệu quảng cáo được gắn đèn điện bên trong, áp sát và che khuất mấy tầng lầu của các cửa hàng.

 

Như bảng hiệu của một cửa hàng kinh doanh giày dép (trên đường 3 Tháng 2) có kích cỡ ngang khoảng 4m, cao khoảng 7m, che khuất cả hai tầng lầu. Viền xung quanh bảng quảng cáo này là hệ thống đèn LED nhấp nháy, chớp tắt liên tục. Một cửa hàng khác trên tuyến đường 3 Tháng 2 cũng có tới năm bảng quảng cáo khác nhau, rực sáng, bố trí xung quanh mặt tiền nhà.

 

Một phòng hát karaoke trang trí bằng vật liệu gỗ, mút nệm -  Ảnh: Đ.Thanh

 

Quán karaoke: toàn vật liệu dễ cháy

 

Trong rất nhiều quán karaoke được khảo sát, chúng tôi thấy đa số quán có bảng hiệu quảng cáo che bít mặt tiền từ trên xuống và hầu như không còn lối để thoát hiểm khi có hỏa hoạn xảy ra.

 

Cụ thể quán karaoke trên đường Phan Xích Long (P.2, Q.Phú Nhuận) ở tầng trệt là khu vực kinh doanh cà phê, khu vực bancông của tầng 1 là nơi có thể thoát hiểm nhưng đã bị bảng hiệu che kín chỉ hở vài lỗ nhỏ. Cách khu vực phòng hát khoảng 3m là nhà bếp đang nấu thức ăn. Lối thang bộ dẫn từ tầng 1 lên tầng 4 được cải tạo lại gắn thêm thang máy nên dù một người cũng khó đi lên xuống được.

 

Trong phòng hát bố trí nhiều loại đèn như đèn quay ánh màu sân khấu, đèn chùm..., trên tường dán nhiều tấm nệm mút giả da vừa để trang trí vừa để cách âm, hai hàng ghế làm bằng chất liệu nệm bọc nỉ. Trên trần nhà có một số sợi dây điện chờ để thòng xuống dưới...

 

Tại quán karaoke khác trên đường Phạm Văn Hai (P.3, Q.Tân Bình) dù có phòng phục vụ trên 20 khách nhưng chỉ có một cửa ra vào, bên trong cũng có nhiều vật dụng làm bằng thiết bị dễ cháy như nệm bọc da, gỗ, nhựa. Ở các tầng, các phòng hát được bố trí ở bốn góc khép kín, không có không gian hở ở bancông. Hành lang thoát hiểm khá hẹp nhưng cũng bị chiếm dụng làm nơi để đồ lặt vặt.

 

Cũng giống như nhiều quán karaoke khác, mặt tiền quán này được thiết kế bảng quảng cáo áp sát mặt tiền từ trên xuống đến tầng 1.

 

Theo trung tá Nguyễn Đức Vinh, việc các bảng hiệu gắn nhiều loại đèn, kích cỡ to che khuất cả cửa hàng là vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy.

 

Theo quy định, những phòng hát karaoke có sức chứa trên 15 người phải có hai cửa thoát hiểm, nhưng đa số các quán karaoke hiện chỉ bố trí một cửa nên hạn chế việc thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra.

 

Cánh cửa thoát hiểm một phòng hát tại quán karaoke đi thẳng qua khu vực nhà bếp

 

Thi công bảng quảng cáo không đúng kỹ thuật

 

Một chuyên gia công tác lâu năm trong lĩnh vực an toàn bảo hộ lao động của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, nhận định: vấn đề an toàn trong đấu nối điện đối với các bảng hiệu, hộp đèn quảng cáo hiện nay không được quan tâm đúng mức.

Hầu như ít cơ quan quản lý thẩm định ngay từ đầu hay kiểm tra, xử lý sau một thời gian sử dụng. Đây là nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ.

 

Cũng theo chuyên gia trên, những hộp đèn quảng cáo bên trong có một hoặc nhiều bóng đèn (tùy theo kích thước, vị trí lắp đặt mà hộp đèn có ít hay nhiều bóng đèn neon hay đèn LED...).

 

Chính vì vậy, các dây dẫn điện của các bóng đèn cũng được đấu nối tại nhiều vị trí. Hộp đèn càng lớn, bóng đèn càng nhiều vị trí đấu nối.

 

Thời gian đầu, các vị trí đấu nối có thể đảm bảo an toàn nhưng sau một thời gian sử dụng, phơi mưa nắng, các mối nối có thể bị lỏng, ẩm, đến lúc nào đó phát sinh nhiệt có thể gây chạm chập, cháy. Do nằm bên trong hộp đèn nên khó có thể quan sát, chỉ khi xảy ra sự cố thì mới biết.

 

Ông Bùi Văn Quân (ngụ Q.10), chuyên gia thiết kế âm thanh, ánh sáng, cho rằng các phòng karaoke thường sử dụng các loại mút xốp dán xung quanh tường phòng để cách âm, cộng với hệ thống dây điện trên trần nhà phức tạp... nên khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng phòng cháy chữa cháy khó phá tường vào bên trong, còn người bên trong cũng khó thoát ra ngoài vì lửa sẽ cháy rất nhanh do thiết kế bằng những vật liệu dễ cháy.

 

Nhiều bảng hiệu quảng cáo vi phạm

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Nguyễn Đức Vinh cho biết: “Vụ cháy căn nhà trên đường Trần Quốc Thảo (Q.3, TP.HCM) vừa xảy ra là do lửa phát ra từ bảng hiệu phía trước tiệm karaoke tạt thẳng vào trong nhà, sau đó lan sang bảng hiệu kế bên và gặp ngay cửa hàng xe máy đang có 44 xe bên trong nên bắt lửa rất nhanh. Lực lượng PCCC đã nhận tin báo sớm và triển khai lực lượng kịp thời nhưng lửa bén quá nhanh nên khi có mặt thì lửa đã trùm cả nhà”.

 

* Như vậy, thưa ông, khuyến cáo đầu tiên là phải xem lại việc lắp đặt bảng hiệu?

 

- Đúng vậy! Nguyên nhân vụ cháy này và nhiều vụ khác là do bảng quảng cáo, bảng quảng cáo lớn, mặt tiền choán hết nhà. Quy định về bảng hiệu quảng cáo thì các văn bản nhà nước đều có hướng dẫn hết rồi, TP cũng có chỉ thị.

 

Trong đó có quy định kích cỡ bảng quảng cáo là không được quá 1/3 chiều cao của tòa nhà, không được che mất mặt tiền tòa nhà, nhưng thực tế vẫn còn nhiều bảng như vậy.

 

Việc quản lý này hiện đang có nhiều phân cấp nhưng nhìn chung quản lý chưa chặt nên bảng sai quy định kích cỡ vẫn nhiều.

 

Thứ hai là hệ thống bảng quảng cáo dùng đèn led nhiều rất dễ chập điện, do có nhiều dây dẫn và vật liệu dễ cháy như hộp ốp. Khi cháy tạt thẳng vào nhà và rất dễ lan sang các bảng hiệu của nhà bên cạnh.

 

Cũng cần khuyến cáo thêm là trong các quán karaoke từ thiết kế phòng ốc, vật liệu cách âm, ghế nệm đều rất dễ cháy.

Nhất là bây giờ karaoke không đơn thuần như trước đây chỉ có một màn hình mà còn nhiều màn hình tạo thành góc 360 độ, đòi hỏi dây dẫn, các thiết bị kèm theo rất nhiều và đa số đều là thiết bị dễ cháy.

 

* Đã có nhiều trường hợp kinh doanh karaoke “chui”, hoặc chỉ xin cấp phép xây nhà ở nhưng sau đó lại chuyển qua kinh doanh các dịch vụ khác, không đủ tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, ý kiến ông thế nào?

 

- Đúng là ít có việc xin phép xây dựng bài bản ngay từ đầu mà việc kinh doanh dịch vụ chỉ phát sinh từ khi thuê lại nhà, hoặc sau quá trình sử dụng nhà ở, nên quy chuẩn về PCCC thường không đạt.

 

Ngay như việc cấp phép cho karaoke dù đã ngưng từ lâu nhưng giờ lại có nhiều điểm karaoke trá hình, biến tướng từ dịch vụ kinh doanh “thu âm trên nền nhạc”.

 

Dịch vụ này thì chỉ cần xin phép Sở Kế hoạch - đầu tư, trong khi karaoke là ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải qua nhiều cơ quan: văn hóa, PCCC, công an...Khi đổi mục đích sử dụng đều phải xin phép cơ quan chức năng, trong đó có PCCC.

Tuy nhiên khi xin phép ban đầu thì tạm đủ quy chuẩn nhưng sau một thời gian hoạt động thì biến tướng, mở rộng mà không đủ yêu cầu PCCC.

 

nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150102/nhieu-nguoi-dang-tu-dot-minh-dot-nha/693915.html