Kể từ khi xuất hiện các khu đô thị mới với những tòa nhà chung cư cao tầng hiện đại tính đến nay cũng đã được hơn hai chục năm. Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của nhà chung cư cao tầng trong chiến lược phát triển nhà ở nước ta những năm đổi mới, góp phần cải thiện chỗ ở cho nhân dân và làm thay đổi diện mạo kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Bên cạnh những mặt tích cực trong phát triển nhà ở của ngành Xây dựng, thì việc sở hữu hay quản lý nhà chung cư còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu khi Luật Nhà ở (mới) bắt đầu có hiệu lực từ 01/7/2015. Chúng ta không quên cách đây chừng một năm, dư luận xôn xao thậm chí bức xúc về việc tính diện tích căn hộ mỗi chủ đầu tư một kiểu… làm thiệt hại kinh tế người mua nhà. Chỉ mỗi việc diện tích căn hộ tính mép trong tường hay từ tim tường cũng đã làm tốn biết bao giấy mực, thời gian của giới báo chí, người dân và cả các chuyên gia về kinh doanh BĐS. Rồi việc người mua nhà theo hợp đồng là mua căn hộ, nhưng không gian ngoài nhà như sân vườn, đường dạo, bãi để xe… lại thuộc sự quản lý của nhà đầu tư. Thế là lại xảy ra tranh cãi thậm chí dọa đem nhau ra tòa giữa chủ đầu tư với người ở. Hay chuyện tiền quỹ bảo trì nhà chung cư được chủ đầu tư sử dụng ra sao, mà tất cả những ai mua căn hộ dù lớn hay nhỏ đều phải đóng với mức bằng 2% giá trị căn hộ, để phòng khi tắc đường ống nước, thang máy trục trặc kỹ thuật, đang vận hành bỗng dở chứng dừng đột ngột… cũng làm nhức đầu chính quyền. Và mới đây nhất là chuyện người ở chung cư có xe ôtô (không tính xe đạp, xe máy) phải mua chỗ để xe theo dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng, cũng làm nóng các phương tiện thông tin đại chúng?! Theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam TCXD 33 2004, thì cứ 100m2 nhà chung cư phải có 20m2 chỗ để xe. Chủ đầu tư khi xây dựng chung cư cứ chiếu theo quy định mà thực hiện. Và tất nhiên, giá thành một mét vuông căn hộ cũng đều phải gánh chi phí xây dựng chỗ để xe này.
Cách đây mười năm, người ở chung cư chưa có nhiều ôtô như bây giờ. Chủ yếu là xe máy. Nên cái việc tranh giành nhau chỗ để xe ít xảy ra. Nay thì đã khác. Đời sống khá lên. Nhiều người có ôtô. Thậm chí có gia đình cả vợ lẫn chồng đều có ôtô riêng đi làm. Chỗ đỗ xe ôtô trở nên bức bách. Việc bán diện tích đỗ xe ôtô cho cư dân ở chung cư có nhu cầu là cần thiết, tạo sự công bằng trong cộng đồng dân cư. Thế nhưng bán giá thế nào, ai được mua và chuyển nhượng ra sao khi có nhu cầu lại là vấn đề rất cần được các nhà soạn thảo văn bản làm rõ. Quy chuẩn xây dựng chưa thay đổi, đó cũng là một dạng luật phải thực hiện. Chủ đầu tư sau khi xây dựng đủ 20% diện tích để xe trên tổng diện tích m2 nhà chung cư, thì sẽ được quyền bán hay cho thuê số diện tích để xe dư thừa, nhưng phải ưu tiên người thuê, mua là cư dân sống trong tòa nhà với giá đảm bảo kinh doanh.
Thiết nghĩ, nếu không có sự chuẩn bị thận trọng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư với cộng đồng, thì chuyện tranh chấp chỗ để xe ôtô sẽ lại xảy ra, và chắc chắn điều tưởng như đơn giản đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS vừa mới đang phục hồi ở nước ta sau một thời gian dài đóng băng, ảm đạm.
Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/rac-roi-su-dung-nha-chung-cu.html