Home / News / Socio-economic news / Tired of high quality affordable apartment

Tired of high quality affordable apartment

Nhiều khách hàng bắt đầu ngán ngẩm vì bỏ ra số tiền lớn để sở hữu căn hộ “gán mác” cao cấp nhưng chất lượng bình dân và quản lý thiếu minh bạch. Bên cạnh đó, những bất cập phát sinh trong quá trình vận hành đã đẩy nhiều dự án chung cư đứng bên bờ vực rủi ro, tranh chấp.

 

Khi mới mở bán, chủ đầu tư dự án Docklands Saigon (số 99 Nguyễn Thị Thập, phường Tân Phú, Q.7, TP.HCM) quảng cáo bằng những lời “có cánh” như chung cư cao cấp biệt lập duy nhất tại quận 7, có một không gian sống yên tĩnh, chan hòa với tự nhiên, mang đến một cuộc sống hiện đại, sang trọng và thanh bình cho cư dân… Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng được 2 năm, chất lượng của sản phẩm do Tập đoàn Bảo Gia (Pau Jar) đến từ Đài Loan (Trung Quốc) làm chủ đầu tư này đã khiến nhiều cư dân thất vọng.

 

Cư dân mua nhà tại dự án Docklands Saigon đã bức xúc khi có nhiều bất cập tại chung cư này như tranh chấp chỗ để xe dưới tầng hầm, chủ đầu tư giao nhà thiếu hụt diện tích so với hợp đồng mua bán và đặc biệt là phí bảo trì 2% hiện nay cư dân không biết chủ đầu tư làm gì với số tiền rất lớn này. Chưa kể các tiện ích ngày một xuống cấp do hư hỏng không được thay thế.

 

24131479_1925442550805111_2455522099598036567_n
Giấy báo phí sinh hoạt tại chung cư Tôn Thất Thuyết bị cư dân phản ánh bất cập.

 

“Tường nhà thấm nước nên bên trong căn hộ nhanh bị xuống cấp, ẩm thấp dễ phát sinh bệnh tật, tôi đang muốn bán để chuyển đi chổ khác ở” - một cư dân dự án Docklands Saigon chia sẻ.

 

Không chỉ Docklands Saigon, hàng loạt dự án “gán mác” cao cấp khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì chủ đầu tư thiếu uy tín. Có thể kể tên các dự án như: Đạt Gia Residence (Q.Thủ Đức) do Công ty TNHH Tư vấn và Kinh doanh Nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư, Celadon City (Q.Tân Phú) do Tập đoàn Gamuda Land làm chủ đầu tư, Chung cư Samland Riverview do Sacomland làm chủ đầu tư…

 

Ngoài chất lượng kém, cư dân ở một số chung cư lại ngán ngẩm vì quản lý thu chi thiếu minh bạch. Đơn cử, tại chung cư Tôn Thất Thuyết (Q.4), công tác thu chi ở đây bị cư dân liên tục phản ánh thiếu minh bạch, tiền cư dân chảy vào túi riêng.

 

Anh T. chủ căn hộ tầng 3, khu chung cư Tôn Thất Thuyết, bức xúc: “Hiếm có chung cư nào lại thu phí thang máy. Riêng tiền nước dù được cư dân yêu cầu đưa hóa đơn song không được đáp ứng”.

 

1-1634
Cư dân Docklands Saigon căng băng rôn phản ánh.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên hiện nay chung cư Tôn Thất Thuyết ngoài mức phí vận hành chung cư, điện, nước, phí xe cộ hàng tháng mà cư dân phải đóng, thì cư dân còn phải đóng thêm phí thang máy với mức thu là 48.000 đồng/người.

 

Đánh giá về bất cập tại chung cư Tôn Thất Thuyết, ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), cho rằng: “Căn cứ Thông tư 37/2009/TT-BXD, chi phí quản lý vận hành nhà chung cư đã bao gồm phí thang máy, phí này không thu thêm bên ngoài. Nếu thu bên ngoài sẽ thành tiền lệ chưa hợp lý”.

 

Theo ông Thành, chất lượng đội quản lý chung cư chưa hẳn phụ thuộc vào biểu phí quản lý chung cư, mà là sự chuyên nghiệp của đơn vị quản lý đó. Cho dù anh thu 15.000 đồng/m2 đi chăng nữa mà đội ngũ quản lý không chuyên nghiệp thì tòa nhà đó sẽ không đáng sống chút nào.

 

“Thu phí thang máy hiện nay không có văn bản luật nào quy định. Việc thu phí thang máy như tại chung cư Tôn Thất Thuyết dễ xảy ra thiếu minh bạch khi hàng tháng ban quản lý phải đi cập nhật số người trong căn hộ đang ở (vì sẽ có căn cho thuê, tạm trú, tạm vắng…)” - ông Thành đánh giá.

 

Đứng trên góc độ là một nhà quản lý dự án chung cư có kinh nghiệm, Tổng Giám đốc Global Home, cho rằng minh bạch chi phí là điều bắt buộc đối với công ty quản lý. Đa số người dân đều mong muốn giá rẻ nhưng phải tốt. Tuy nhiên thực tế rất khó, những công ty làm ăn bài bản thì họ xác định là giá không rẻ. Đổi lại các công ty đó minh bạch chi phí để cho cư dân thấy hợp lý, lúc này sẽ duy trì chất lượng tốt hơn tránh những tranh chấp.

 

 Bài & ảnh: Nguyên Vũ