Home / News / Events / MPA Tran Du Travel: Real estate is not "porridge"

MPA Tran Du Travel: Real estate is not "porridge"

Sở hữu nhà phải “chính chủ”

Theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở như dự thảo Luật nhằm bảo đảm cho chủ sở hữu thực hiện đầy đủ các quyền của mình, hạn chế các rủi ro phát sinh. Quyền sở hữu nhà ở được xác định từ khi các bên hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, như bên mua đã thanh toán đủ tiền và bên bán đã bàn giao nhà, không phụ thuộc vào việc đăng ký quyền sở hữu.

ĐBQH Trần Du Lịch: Bất động sản không phải là
ĐBQH Trần Du Lịch: Quyền sở hữu nhà chỉ được xác lập về pháp lý khi đăng ký với Nhà nước và đã nộp phí trước bạ.

 

Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, việc xác lập quyền sở hữu nhà ở thì người mua nhà không cần đi kê khai, nộp phí trước bạ trước thì đã được luật pháp thừa nhận quyền sở hữu rồi.

 

“Dường như chúng ta còn quan điểm “tiền trao cháo múc”, nhưng bất động sản không phải “cháo”. Quyền sở hữu chỉ được xác lập về pháp lý khi đăng ký với Nhà nước và đã nộp phí trước bạ. Nguyên tắc này bị phá bỏ sẽ gây rối loạn pháp luật”- ông Lịch nói.

 

Dẫn chứng thực tế, người mua xe máy cũng phải nộp phí, đăng kí mới được coi là “xe chính chủ”, huống gì tài sản là nhà ở. Do đó, vấn đề sở hữu nhà ở đã được Luật Dân sự quy định và hiện đang sửa đổi bộ luật này thì quy định luôn, chứ không nên tách ra làm luật chuyên ngành riêng.  

 

Khi tham gia góp ý cho dự thảo sửa Luật Dân sự, ông Lịch nhận thấy sự bất cập khi Luật Dân sự đang phải “chạy theo” các luật chuyên ngành, được tách ra và làm riêng với nhiều lĩnh vực, nếu có phát sinh bất cập.

 

Về thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở, theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), thời điểm chuyển quyền sở hữu là từ khi người mua nhận bàn giao nhà là không hợp lý. Ông phân tích, hiện nay đang tồn tại tình trạng rất nhiều người mua nhà trả hết tiền rồi, nhưng không sang tên đổi chủ được do mảnh đất đã sang tên đổi chủ nhiều lần. Khi giá nhà thay đổi họ lại quay ra kiện tụng khiến tòa án cũng lúng túng trong giải quyết vướng mắc.

 

ĐBQH Trần Du Lịch: Bất động sản không phải là
Người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam nhưng bị hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư....

 

Ông Thuyền lưu ý, dù dự thảo Luật đã gỡ một phần “nút thắt” quy định về sở hữu nhà “chính chủ”, nhưng cũng phải xem có vướng với Luật Dân sự, Luật Xây dựng hay không để tránh những phát sinh dân sự sau này.

 

Trong khi đó, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) đề nghị quy định thời điểm chuyển quyền sử dụng nhà là thời điểm người mua đã thanh toán đủ tiền cho người bán.

 

Người nước ngoài được mua nhà ở nhưng ...

 

Liên quan tới vấn đề người nước ngoài được mua nhà ở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận hầu hết ý kiến ĐBQH thống nhất với quy định của dự thảo Luật về việc mở rộng đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.

 

Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về thời gian cư trú tại Việt Nam cũng như các điều kiện hạn chế cụ thể khác để tránh đầu cơ, gây lũng loạn thị trường bất động sản và đảm bảo an ninh quốc phòng.

 

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) bày tỏ, mở rộng đối tượng này sẽ là giải pháp quan trọng để “xuất khẩu tại chỗ” các dự án nhà ở thương mại cao cấp, hút nguồn ngoại tệ cũng như thúc đẩy phát triển thị trường.

 

Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Minh đề nghị: "Nếu quy định cá nhân nước ngoài được phép mua nhà là những người được nhập cảnh vào Việt Nam thì tôi hơi băn khoăn vì đối tượng quá rộng, không tính đến thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh. Chẳng hạn, như chỉ cần nhập cảnh vào Việt Nam đi du lịch cũng được mua nhà, thì dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ làm lũng đoạn thị trường. Tôi đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định theo hướng nêu rõ đối tượng được mua nhà gắn với mục đích sở hữu”.

 

Đồng tình chuyện “nới” quyền mua nhà, sở hữu nhà ở của người nước ngoài, nhưng ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị Luật vẫn cần “cởi trói” hơn nữa cho đối tượng này. Bởi theo ông, sau khi họ sở hữu hợp pháp nhà tại Việt Nam rồi thì không nên hạn chế quyền cho thuê lại, nếu không sẽ dễ tạo tâm lý bất bình đẳng giữa người nước ngoài và công dân Việt Nam.

 

“Chúng ta không cho họ quyền xây dựng dự án thì nên cho họ quyền xây dựng nhà riêng lẻ, miễn là không vi phạm khu vực cấm người nước ngoài”- ĐB Nghĩa nêu quan điểm.

 

Trước những đề xuất của các ĐBQH, phát biểu kết thúc phiên thảo luận Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, quy định cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong dự thảo Luật đã được quy định chặt chẽ về điều kiện được mua nhà ở như hạn chế về số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư cũng như số lượng nhà ở riêng lẻ trong một khu vực dân cư, không mua nhà ở những khu vực cần bảo đảm quốc phòng an ninh... thì không làm ảnh hưởng đến chính sách về nhà ở trong nước và vấn đề quốc phòng, an ninh vẫn được bảo đảm.

 

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ hơn, trên cơ sở ý kiến ĐBQH, Quốc hội đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể về số lượng được mua bán căn hộ chung cư trong trường hợp một khu vực dân cư có nhiều tòa nhà chung cư, quy định chặt chẽ phương thức thanh toán để phòng, chống việc đầu cơ, rửa tiền, cụ thể là việc thanh toán tiền mua nhà ở phải được thực hiện thông qua các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam.