Trả lời tại buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 25/11, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Bộ TN&MT) khẳng định, việc áp dụng Thông tư 33 chỉ nhằm làm rõ quyền lợi của cá nhân có sở hữu tài sản nhà đất chung, hạn chế tranh chấp, đồng thời không làm phát sinh các thủ tục hành chính như lo ngại của dư luận.
Theo ông Phấn, Thông tư 33 có phạm vi điều chỉnh là các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình sử dụng đất. Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành có 17 trường hợp thể hiện thông tin của người sử dụng đất trên sổ đỏ và hộ gia đình chỉ là 1 trong số 17 trường hợp đó. Bản chất lần này chỉ điều chỉnh việc thể hiện thông tin của các chủ thể và là thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất.
Ông Phấn cho biết, quản lý đất đai trải qua các thời kỳ khác nhau, nhiều nội dung chỉ phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm đó. Trước đây, Luật Đất đai 1998, Luật Đất đai 1993, chúng ta quy định chủ thể trong việc sử dụng quản lý đất đai là hộ gia đình. Qua các thời kỳ đã ghi tên của chủ gia đình hoặc chủ hộ gia đình trên sổ đỏ.
Tuy nhiên, khi thị trường đất đai, quyền sử dụng đất được mở rộng, dẫn đến việc tên của người chủ sử dụng đất, người chủ gia đình không còn phù hợp, không còn thích ứng với điều kiện hiện tại. Quy định mới của Thông tư 33, do Bộ TN&MT ban hành sẽ xử lý hệ quả của quá trình trước đây khi việc quản lý đất đai chưa tính đến vấn đề cá thể hóa quyền sử dụng đất như hiện nay, dẫn đến những tranh chấp không thể giải quyết được trong thực tế.
Theo ông Phấn, sở dĩ thời gian qua một số người dân đã hiểu sai việc thành viên có tên trong hộ khẩu sẽ đồng thời được ghi vào sổ đỏ. Tuy nhiên, trên thực tế không phải như vậy. Hộ gia đình theo quy định của Luật Đất đai là một chủ thể trong các chủ thể được cấp sổ đỏ. Những trường hợp cấp sổ đỏ mang tên hộ gia đình phải đảm bảo các yếu tố: Có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Cùng sống chung và có tài sản đóng góp, công sức đóng góp chung vào hình thành nên tài sản đó. Như vậy, không phải có tên trong hộ khẩu thì đương nhiên được ghi tên trên sổ đỏ. Chỉ có những người có quyền sử dụng đất mới được ghi trên sổ đỏ.
Trả lời câu hỏi, với các sổ đỏ đã cấp trước ngày 5/12/2017, người dân có phải thực hiện đổi sổ đỏ? ông Phấn cho biết, theo quy định tại Điều 98 Luật Đất đai, các sổ đỏ đã cấp trước đây vẫn có giá trị pháp lý như bình thường. Việc cập nhật, chỉnh lý, bổ sung tên cho đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 6 - Thông tư 33, là khi các giao dịch thực hiện ở các cơ quan có thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền phải cập nhật đúng tên chủ thể là thành viên của hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất.
Tiền phong