Hội nghị được tổ chức trong khung khổ Chương trình hợp tác Việt - Đức về quản lý nước thải (WMP) do GIZ thực hiện tại Việt Nam dưới sự ủy nhiệm của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức (BMZ).
Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, Tiến sĩ Dirk Pauschert, Giám đốc Chương trình GIZ cùng đại diện các sở, ban, ngành và 150 đại biểu là Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố, lãnh đạo và các nhà quản lý từ các phòng ban của ủy ban, các sở xây dựng, tài chính, giao thông công chính, các Công ty thoát nước và xử lý nước thải, ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, hiệp hội chuyên ngành, các trường, viện nghiên cứu, lãnh đạo và đại diện các cục, vụ liên quan của Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật khẳng định: Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 và thay thế cho Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp. Quy định về giá dịch vụ thoát nước trong Nghị định 80 thay cho phí thoát nước là điều khác căn bản so với Nghị định 88. Các quy định có liên quan về giá dịch vụ này bao gồm đối tượng áp dụng, nguyên tắc, phương pháp xác định, trách nhiệm lập, thẩm định và quyết định giá sử dụng dịch vụ. Mặt khác, qua việc phải trả tiền sử dụng dịch vụ này, người dân có ý thức trong việc tiết kiệm nước và giảm thiểu xả nước thải vào hệ thống thoát nước góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu người sử dụng dịch vụ.
Hội nghị là nơi để các tỉnh thành địa phương đối thoại chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về nội dung quy định quản lý thoát nước địa phương, hợp đồng quản lý vận hành giữa chủ sở hữu tài sản và đơn vị cung cấp dịch vụ, cách tính giá dịch vụ thoát nước và thu tiền dịch vụ từ người sử dụng tại mỗi địa phương. Những vấn đề được các đại biểu quan tâm đối thoại nhiều nhất là vấn đề quản lý bùn thải (bao gồm bùn thải từ hệ thống thoát nước và bùn tự hoại) và việc phân loại để xử lý và lựa chọn công nghệ phù hợp, cũng như vận chuyển đến nơi quy định theo quy hoạch.
Đại diện các công ty thoát nước và xử lý nước thải cho biết, Nghị định 80 và hai thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định giúp từng bước lấp đầy khoảng cách giữa nguồn thu từ dịch vụ thoát nước và chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống. Tại Sóc Trăng hiện nay, nguồn thu từ dịch vụ này đáp ứng được 35% chi phí vận hành bảo dưỡng bao gồm chi phí khấu hao các thiết bị cơ điện.
Cũng theo TS. Dirk Pauschert cho biết: Quá trình hợp tác chặt chẽ và thành công với Bộ Xây dựng trong khuôn khổ Chương trình quản lý nước thải từ 2005 đến nay, GIZ đã góp phần vào những thành tựu và sự phát triển của lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam. Trong đó, Nghị định 80/2014/NĐ-CP của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải đã đánh dấu bước đột phá trong lĩnh vực nước thải góp phần phát triển hiệu quả bền vững của lĩnh vực nước thải tại Việt Nam.
Nghị định 80 và hai thông tư do Bộ Xây dựng ban hành, bao gồm: Thông tư số 02/2015/TT-BXD, ngày 02/4/2015, hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước và Thông tư số 04/2015/TT-BXD, ngày 3/4/2015, hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 80 đều đã có hiệu lực. Đồng thời đưa ra nguyên tắc, khái niệm và những quy định có ý nghĩa quan trọng về giá dịch vụ thoát nước, hợp đồng quản lý vận hành, đấu nối hộ gia đình, chính sách ưu đãi đầu tư, quy định quản lý thoát nước địa phương, xử lý nước thải phi tập trung… Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, và được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao xây dựng Nghị định 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải thay thế Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp, trong quá trình xây dựng có sự tham gia phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, các nhà khoa học, viện, hội chuyên ngành và các doanh nghiệp trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý thoát nước. Theo đó, việc ban hành nghị định, các quy định hướng dẫn, phê duyệt quy hoạch,… nhiều nhà máy xử lý nước thải, mạng lưới thoát nước ở nhiều đô thị tỉnh lỵ và khu công nghiệp tập trung đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động. Cho đến nay đã có 30 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất khoảng 800.000m3/ngđ; hơn 50% số khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải, góp phần giảm ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, vai trò của GIZ đã mang lại những giá trị bổ sung tích cực. Thông qua quá trình khảo sát về Nghị định 80/2014/NĐ-CP và hầu hết những tỉnh thành đã tham gia trả lời khảo sát tại Việt Nam khẳng định sự cải thiện quan trọng của Nghị định 80/2014/NĐ-CP như việc tạo điều kiện quản lý nước thải hiệu quả.
Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/thoi-su/hoi-nghi-tap-huan-nghi-dinh-so-802014nd-cp-ve-thoat-nuoc-va-xu-ly-nuoc-thai.html