Trang chủ / Tin tức / Tin kinh tế - xã hội / Luật Nghĩa vụ quân sự: Học sinh, sinh viên được tạm hoãn gọi nhập ngũ

Luật Nghĩa vụ quân sự: Học sinh, sinh viên được tạm hoãn gọi nhập ngũ

Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng quy định độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 đến hết 25 tuổi

Chiều 19/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y. Cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam, các đại biểu đánh giá cao nhiều điểm mới tiến bộ của Dự án Luật trong việc bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đối với người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời cho rằng sẽ là tiến bộ hơn nữa nếu Dự thảo Luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện khi bản thân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

 


Chiều 19/6, đại biểu Quốc hội đã thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) và Luật Thú y; cho ý kiến về dự án Luật tạm giữ, tạm giam

 

Đầu giờ chiều nay, biểu quyết với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội thông qua Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). Theo đó, tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%; Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh, sinh viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

 

Về độ tuổi gọi nhập ngũ, Luật quy định công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ là từ đủ 18 đến hết 25 tuổi. Đối với công dân đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ là đến hết 27 tuổi.

 

Thảo luận về Dự án Luật tạm giữ, tạm giam, các đại biểu cho rằng đây là Dự án Luật quan trọng liên quan đến trực tiếp đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố xét xử và thi hành án hình sự. Do đó, Dự án Luật vừa phải đáp ứng yêu cầu bảo vệ các quyền con người mà người bị tạm giữ, tạm giam không bị hạn chế, khắc phục những bất cập từ thực tiễn, nhất khắc phục tình trạng chết người tại nhà tạm giữ, bức cung, nhục hình tại nhà tạm giữ, trại tạm giam nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo được tính khả thi.

 

Về mô hình quản lý hệ thống trại tạm giam, nhà tạm giữ, đại biểu Lưu Thị Huyền, đoàn Ninh Bình cho rằng, hiện nay, chúng ta đang thiếu rất nhiều hệ thống cơ sở vật chất và biên chế cán bộ chiến sĩ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam. Nếu tách khỏi công an các cấp thì phải đầu tư một lượng kinh phí rất lớn để xây dựng lực lượng nhà tạm giam, tạm giữ mới. Do vậy, đề nghị nên giữ hệ thống tổ chức cơ quan quản lý trại tạm giữ, nhà tạm giam như hiện hành là phù hợp.

 

Liên quan đến quản lý người bị kết án tử hình, đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị nên giữ quy định như hiện hành. Đại biểu Lưu Thị Huyền lý giải: “Nếu tập trung quản lý giam giữ tất cả những người bị kết án tử hình kể cả số lượng mà bản án đã có hiệu lực và chưa có hiệu lực pháp luật tại một nơi thì khó khăn trong việc thực hiện hoạt động tố tụng. Đồng thời gây khó khăn trong việc quản lý giam giữ vì nếu tập trung tất cả các đối tượng này vào một nơi thì sẽ là nguồn nguy hiểm cao trong hoạt động quản lý, giám sát”.

 

Đánh giá cao điểm tiến bộ của Dự án Luật khi cho phép người tạm giữ, tạm giam có quyền khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật, hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (đoàn Bình Thuận) cho rằng, sẽ là tiến bộ hơn nữa nếu Dự thảo Luật cho phép người bị tạm giữ, tạm giam có quyền khởi kiện khi bản thân bị xâm phạm về quyền và lợi ích hợp pháp.

 

Cũng theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, người bị tạm giữ, tạm giam chia làm hai nhóm đối tượng là người chưa có tội và người có tội. Người chưa có tội là một công dân bình thường, có đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Do đó, đề nghị xem lại quy định của Dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam.

 

"Người có tội phải bị hạn chế, nghiêm cấm thực hiện một số quyền công dân là đúng nhưng sẽ là không phù hợp với người chưa có tội. Người chưa có tội vì sao họ không có quyền làm những điều mà pháp luật không cấm. Tại sao bị hạn chế một số quyền như dự Luật quy định. Tôi thấy cần sửa lại điều 9 theo hướng quy định riêng rẽ quyền và nghĩa vụ của 2 nhóm đối tượng là người có tội và người chưa có tội", đại biểu Đỗ Ngọc Niễn đề nghị./.

 

Nguồn: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/luat-nghia-vu-quan-su-hoc-sinh-sinh-vien-duoc-tam-hoan-goi-nhap-ngu.html

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU

Global Home

Trụ sở chính: 151 Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Điện thoại / Fax: (028) 3848 8666

Hotline: 0888 816 618

Email: info@globalhome.vn

Website: www.globalhome.vn - www.quanlytoanha.org - www.quanlychungcu.org

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin

Nhập email để nhận thông tin mới nhất từ CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU GLOBAL HOME
Email(*)
Trường bắt buộc

Gửi