Những tranh chấp xoay quanh mức phí trông giữ xe, phí bảo trì chung cư... vẫn là rắc rối chưa có giải pháp triệt để
Cư dân sinh sống tại 3 tòa nhà thuộc khu chung cư Saigon Pearl (quận Bình Thạnh, TP HCM) vừa có đơn gửi Báo Người Lao Động phản ánh về mức phí trông giữ ôtô mà công ty dịch vụ (thừa ủy quyền từ chủ đầu tư) đang áp dụng ở đây.
Bất đồng kéo dài
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, đại diện cho nhiều cư dân tòa nhà Sapphire, chủ đầu tư là Công ty TNHH Vietnam Land SSG đã áp đặt tăng phí giữ xe, dù ban quản trị các tòa nhà làm công văn đề nghị chủ đầu tư xem xét lại việc tăng phí trông giữ xe từ khoảng 1,5 triệu đồng/tháng/ôtô lên đến 2 triệu đồng/tháng/ôtô.
Tầng hầm để xe của nhiều chung cư thường là khu vực tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư
"Chúng tôi nhất quyết không đồng ý mức giá mới, chỉ chấp nhận đóng mức cũ. Vậy là đơn vị làm dịch vụ trông giữ xe gây khó, nhiều lần ngăn cản chúng tôi đưa xe xuống hầm" - bà Thủy phản ánh.
Trước đó, phía chủ đầu tư đưa ra Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND do UBND TP HCM ban hành làm cơ sở tăng mức phí trông giữ xe, theo đó, mức giá trông giữ ôtô tối đa là 5 triệu đồng/tháng. Theo cư dân, chủ đầu tư căn cứ vào văn bản trên để tăng giá giữ xe là không thỏa đáng bởi hiện họ đang chịu mức phí cao hơn so với những tòa nhà lân cận. Chẳng hạn, dự án Vinhome Central Park có mức phí khoảng 1,4 triệu đồng/tháng/ôtô; chung cư The Manor thu khoảng 1,2 triệu đồng/tháng/ôtô.
"12 năm, chủ đầu tư chung cư Saigon Pearl vẫn chưa cung cấp toàn bộ văn bản pháp lý liên quan đến quyền sở hữu tầng hầm các tòa nhà (nơi để xe cư dân) gồm: sổ hồng, bản vẽ phê duyệt diện tích bãi đậu xe hơi... Trong khi đây là cơ sở xác định quyền và nghĩa vụ các bên" - bà Thủy nói thêm.
Tương tự, ở chung cư Thủ Thiêm Star (TP Thủ Đức, TP HCM), nhiều bất đồng xung quanh công tác quản lý cũng như quyền sở hữu khu vực đậu xe tồn tại từ lâu. Đặc biệt tầng hầm để xe luôn là khu vực tranh chấp giữa cư dân với chủ đầu tư. Trong khi đó, Ban Quản trị chung cư Thủ Thiêm Star chưa nhận đủ hồ sơ pháp lý, hồ sơ vận hành từ chủ đầu tư. Chưa kể, chủ đầu tư phớt lờ nghĩa vụ mở tài khoản gửi kinh phí bảo trì.
Tìm kiếm lối ra
Về tranh chấp quyền sở hữu chỗ để phương tiện, Bộ Xây dựng có hướng dẫn các bên căn cứ hồ sơ thiết kế. Bản vẽ sẽ thể hiện chỗ đậu xe là sở hữu chung hay riêng.
Ở 2 chung cư trên, do chủ đầu tư "ém" hồ sơ thiết kế nên không thể phân định rõ quyền sở hữu tầng hầm. Từ đó, ban quản trị cũng như cư dân lấn cấn về quyền - nghĩa vụ các bên trong quy định, thỏa thuận mức phí trông giữ xe. Hiện nay, pháp luật chưa đề cập đến biện pháp xử lý cụ thể hành vi không bàn giao hồ sơ nhà chung cư. Sở Xây dựng TP HCM từng đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung trên vào quy định liên quan đến quản lý nhà ở chung cư; mức chế tài đối với chủ đầu tư sai phạm.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở, Sở Xây dựng TP HCM, ban quản trị có thể gửi văn bản đề nghị UBND cấp quận, huyện có động thái yêu cầu chủ đầu tư bàn giao hồ sơ pháp lý. Nếu chủ đầu tư bất tuân, cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà ở; buộc chủ đầu tư bàn giao hồ sơ.
Luật gia Phan Thanh Nhân khuyến cáo người mua chung cư cần tìm hiểu cặn kẽ quy định, thỏa thuận về nơi để xe trước khi ký hợp đồng mua bán. Bên mua có thể thỏa thuận rõ ràng mức phí trông giữ xe ngay vào hợp đồng. Thông thường, hợp đồng do chủ đầu tư soạn thảo đều thể hiện mập mờ nội dung này.
Đối với tình trạng chây ì phí bảo trì, luật gia Phan Thanh Nhân phân tích hiện UBND TP HCM giao lại cho Sở Xây dựng TP thi hành cưỡng chế đối với phí bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu tài khoản doanh nghiệp trống trơn thì phương án tiếp theo sẽ thế nào? "Theo nguyên tắc, UBND TP có thể cho phép Sở Xây dựng phát mãi tài sản doanh nghiệp. Dù thế, từng bước thủ tục cũng như chế tài đối với doanh nghiệp, pháp nhân không hợp tác có vẻ mù mờ. Do đó cơ quan hữu trách cần cụ thể hóa hơn nữa những trình tự, thủ tục nêu trên" - luật gia Phan Thanh Nhân nói.