Các hoạt động mua bán đã trở về trạng thái bình thường trên thị trường BĐS sau thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát.
Theo ghi nhận, dù chưa mạnh dạn “tấn công” thị trường BĐS như thời điểm trước nhưng khá nhiều doanh nghiệp đã có động thái “nhá hàng” hoặc “bung thông tin” để thăm dò thị trường. Trong đó, một số doanh nghiệp có sản phẩm mới kì vọng sức mua sẽ đột phá ở giai đoạn mà cả nguồn cung lẫn sức mua bị “nén” khá lâu trên thị trường.
Trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây, TS Trần Kim Chung cho hay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hầu hết các phân khúc BĐS bị ảnh hưởng, giao dịch chững lại. Thế nhưng, từ cuối tháng 4 đến nay, tình hình đã có dấu hiệu khả quan, các hoạt động BĐS bắt đầu bắt nhịp lại với thị trường.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho rằng, trong giai đoạn giãn cách xã hội, thị trường BĐS gần như đứng im. Nhưng ngay khi Thủ Tướng ban hành chỉ đạo gỡ bỏ giãn cách, các hoạt động kinh tế xã hội đã từng bước quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Có thể nói, đến giữa tháng 5/2020, mọi hoạt động gần như đã trở lại như trước Tết Nguyên Đán, trong đó nổi bật là hoạt động của thị trường BĐS Tp.HCM.
Ông Hoàng chỉ ra, nguồn cung mới được giới thiệu hoặc được mở bán chính thức trong tháng 5 đã tăng nhiều hơn so với tháng 4 và Quý 1/2020. Sức mua cũng được ghi nhận tốt hơn, đặc biệt là mức giá không hề có sự thay đổi so với trước đó (nếu không muốn nói một vài dự án có giá tăng nhẹ).
Không chỉ tại thị trường Tp.HCM, các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng có nhiều dự án được đưa ra thị trường với đầy đủ các phân khúc Đất nền - Căn hộ - Nhà phố/biệt thự.
Theo dự báo của đơn vị này, thị trường BĐS nhà ở Tp.HCM sẽ phục hồi sôi động trở lại từ cuối quý 2/2020. Sang đến quý 3 và đến cuối năm, tình hình có thể sẽ tiếp tục tích cực hơn.
Báo cáo mới đây của kênh thông tin Batdongsan.com.vn cũng cho thấy đã có dấu hiệu tích cực trở lại thị trường của một số doanh nghiệp, mặc dù thị trường vẫn còn khó khăn, nhiều sàn giao dịch vẫn chưa mở cửa.
Cụ thể, lượng tin đăng sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu giãn cách xã hội nhưng sau đó tăng mạnh tới 73% khi yêu cầu giãn cách được nới lỏng. Đáng chú ý, mức độ quan tâm của người dùng cũng không suy giảm trong cả tháng 3 và tháng 4 cho thấy dù nguồn cung hạn chế và giá bán chưa giảm sâu, người mua vẫn sẵn sàng quay trở lại thị trường.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn Tp.HCM, mặc dù mức độ giao dịch chưa biến chuyển mạnh nhưng làn sóng của giới đầu tư và người có nhu cầu ở thực đang dần phục hồi. Tuy vậy, nhìn chung lượng giao dịch vẫn chưa ổn định do khách hàng vẫn còn tâm lý dè chừng. Trong khi doanh nghiệp BĐS vẫn giữ sự lạc quan, tin tưởng dòng tiền của nhà đầu tư sẽ sớm quay trở lại trong quý 3/2020.
Sự ổn định của kinh tế vĩ mô, Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh hay quỹ đất trung tâm ngày càng hạn hẹp trong khi nhu cầu vẫn cao là các nguyên nhân khiến doanh nghiệp này tin rằng thị trường sẽ sớm hồi phục, đặc biệt là phân khúc căn hộ sẽ ít bị tác động hơn các lĩnh vực khác. Theo các chuyên gia, thời gian qua chính là giai đoạn “thử lửa” sức đề kháng của thị trường BĐS.
Tuy vậy, nếu xét về mặt đầu tư thì BĐS vẫn là kênh được các NĐT quan tâm, là kênh đầu tư an toàn. Với những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực, lượng tiêu thụ ghi nhận vẫn ổn định, giá vẫn có chiều hướng tăng lên.
Các NĐT cũng dần chuyển hướng sang đầu tư trung - dài hạn thay vì lướt sóng như thời điểm trước đây. Trên thực tế, nhu cầu về nhà ở của thành phố rất cao nên chắc chắn các dự án được đầu tư bài bản, phục vụ nhu cầu dài hạn,... sẽ luôn thu hút dòng tiền tốt trên thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc Gia, quỹ đất để phát triển dự án tại các đô thị lớn hiện không còn nhiều, sự quá tải hạ tầng xã hội ngày một trầm trọng hơn. Việc một số nhà phát triển BĐS mạnh dạn chuyển hướng về thị trường tỉnh chính là đón đầu được xu thế đô thị hóa của địa phương, đồng thời đây cũng sẽ là kênh sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Sau dịch, mỗi doanh nghiệp đều có một phương án khác nhau. Có doanh nghiệp ngủ đông, có doanh nghiệp gồng mình lên để chịu đựng hoặc chịu sức nén để bật dậy khi dịch đi qua.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, thị trường BĐS còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong 10 - 20 năm, thậm chí là 30 năm nữa vẫn còn nhiều cơ cấu do dân số trẻ, tăng trưởng GDP cao, chưa kể có nguồn nhu cầu lớn ở nước ngoài kể từ khi chúng ta mở của cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Theo Trí thức trẻ
Nguồn thông tin: http://ttvn.toquoc.vn/thi-truong-bat-dong-san-dang-khoi-sac-tro-lai-42020568029595.htm