Hàng loạt dự án chung cư bị “siết nợ”
Vụ chung cư Khang Gia Tân Hương (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) bị Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) ra thông báo thu giữ để đảm bảo thanh khoản chỉ là một trong số nhiều vụ việc tương tự xảy ra trong thời gian vừa qua, là hồi chuông cảnh tỉnh người mua nhà trước khi đặt bút ký hợp đồng phải nghiên cứu kỹ tính pháp lý của căn hộ kẻo mang vạ vào thân.
Tháng 11/2018, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo đến Công ty CP Tư vấn Đầu tư và Phát triển Trung Đông (TP.HCM) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là chung cư Trung Đông Plaza (quận Tân Phú), có diện tích 2.053 m2 với tổng diện tích xây dựng là 13.741m2, 120 căn hộ, cao 18 tầng.
Lý do là công ty này có khoản nợ tạm tính đến giữa tháng 10 là hơn 82 tỉ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 33,7 tỉ, lãi hơn 48,7 tỉ đồng.
Trước đó, dù VAMC đã nhiều lần có văn bản đôn đốc, làm việc và yêu cầu công ty này thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định nhưng công ty không thực hiện và cũng không có phương án trả nợ khả thi.
Trước đó, VietinBank cũng chào bán khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Công ty Ðịa ốc Gia Phú. Theo thông tin từ VietinBank, tính đến ngày 11/7/2018, dư nợ khoản vay của Công ty Gia Phú tại Ngân hàng là gần 21,6 tỷ đồng (nợ gốc là 6 tỷ đồng và nợ lãi là gần 15,6 tỷ đồng)…
Tương tự, giữa năm 2018, chung cư Gia Phú (đường Lê Văn Chí, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) thuộc sở hữu của công ty Gia Phú bị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đem ra bán đấu giá để thu hồi nợ xấu.
Chung cư Trung Đông Plaza (quận Tân Phú) từng bị VAMC thu hồi xử lý nợ.
Vào cuối năm 2017, BIDV cũng “rao bán” dự án khu dân cư 584 Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) mà chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 31/7 là 1.091 tỷ đồng.
Người mua nhà cần xác minh tính pháp lý trước khi ký hợp đồng
Luật sư Lê Việt Hùng, đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, cho rằng: Việc các chủ đầu tư đem tài sản đi thế chấp vay vốn ngân hàng cũng như đến kỳ hạn mà chủ đầu tư không trả nợ, ngân hàng thu hồi tài sản để bảo đảm khoản vay là hoàn toàn đúng pháp luật, được luật Việt Nam cho phép.
Điều đáng nói ở đây là mặc dù luật quy định rất rõ, chủ đầu tư chỉ được phép đem tài sản đã thế chấp đi giao dịch trong hai trường hợp: đã thanh toán nợ với ngân hàng; hoặc chưa thanh toán hết khoản nợ nhưng được sự đồng ý của phía ngân hàng đang cầm cố.
Tuy nhiên, ở các trường hợp nêu trên và còn nhiều trường hợp khác, trên thực tế, các công ty bất động sản một mặt chưa thanh khoản với ngân hàng, mặt khác vẫn đem các căn hộ đi giao dịch, bán cho người sử dụng. Chỉ sau khi đã nộp đủ tiền mua căn hộ mà không được cấp sổ hồng, hoặc khi sự việc vỡ lở, ngân hàng thông báo thu hồi, người mua mới “ngã ngửa”, lo lắng vì quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được đảm bảo.
Vì vậy, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi mua nhà dự án, hạn chế rủi ro, cách tốt nhất vẫn là người mua nên thận trọng tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án, năng lực tài chính của chủ đầu tư, tham vấn các chuyên gia, được tư vấn trước khi đặt bút ký hợp đồng… để tránh hệ lụy không đáng có về sau.
Mặt khác, những sự việc nghiêm trọng nêu trên lỗi trước hết thuộc về các chủ dự án, nhưng các ngân hàng đối tác của dự án không thể nói “vô can”. Ngân hàng không thể không biết việc chủ dự án chưa giải chấp xong đã đem bán dự án, hoặc đang cầm cố tại ngân hàng vẫn bán cho khách hàng. Hoặc ngân hàng lỏng lẻo trong vấn đề giám sát, hoặc “làm ngơ” cho chủ dự án vi phạm.