Sự kiện VNITO 2021 với chủ đề Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số đã mang đến góc nhìn chuyên sâu của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số, mang đến những cơ hội phát triển mạnh mẽ cho ngành bất động sản, đặc biệt sau cú chấn động của đại dịch Covid-19.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Liên minh Công nghệ số Việt Nam (VNITO) tổ chức Chuỗi Hội thảo Công nghệ số (VNITO Tech Series 2021) với chủ đề “Công nghệ cho bất động sản thời kinh tế số” vào ngày 15/12/2021 tại TPHCM và trên nền tảng trực tuyến.
Chủ đầu tư phải nhìn thấy được những lợi ích lâu dài của việc đầu tư công nghệ
Ông Trần Phúc Hồng – Phó Chủ tịch VNITO, Giám đốc điều hành TMA Innovation nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản hiện nay, bởi chính đại dịch Covid-19 đang đặt ra các thách thức mới cho các tòa nhà, văn phòng, khu dân cư về giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh, tăng cường kiểm soát, an toàn – an ninh. Các giải pháp cho thành phố thông minh vì vậy cũng sẽ thay đổi để đáp ứng các yêu cầu mới này. Công nghệ đang trở thành giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức mới. Các công ty công nghệ Việt Nam cũng đã đầu tư nhiều sản phẩm – giải pháp để đáp ứng các nhu cầu đa dạng và phong phú trong lĩnh vực bất động sản Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm của nước ngoài. Lĩnh vực bất động sản cũng đang chuyển dịch mạnh mẽ và bất động sản số đang trở thành xu hướng đầu tư trong các năm tới.
Đề cập đến vấn đề đầu tư công nghệ cho bất động sản, các chuyên gia đều cho rằng đó là sự đầu tư kết hợp song song giữa phần cứng và phần mềm, đặc biệt nhà đầu tư phải tận dụng được nguồn dữ liệu quan trọng của toàn bộ thông tin tòa nhà đến khách hàng của hiện tại và tương lai. Ông Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) cho biết, trong những năm gần đây, trong giới Bất động sản, những thuật ngữ như Tài sản số (Digital Asset), PropTech (công nghệ cho bất động sản), hay Bất động sản số (Digital Real Estate)… ngày càng phổ biến và trở thành xu thế tất yếu và được phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các Công nghệ cho Bất động sản – Proptech đang ở giai đoạn phát triển mạnh với sự trợ giúp từ các công nghệ hiện đại như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thực tế ảo (VR) và Blockchain…
“Thị trường Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng đó, số hóa bất động sản cũng là hướng đi của nhiều doanh nghiệp lớn thông qua việc đầu tư hoặc mua lại các startup về proptech. Với cơ cấu dân số trẻ, thường xuyên sử dụng công nghệ (64 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 66% dân số), quy mô thị trường bất động sản lớn nên Proptech ở Việt Nam có nhiều điều kiện lý tưởng để khai thác và phát triển” – ông Trần Quý cho hay.
Đánh giá về nhu cầu và động lực của đầu tư công nghệ cho tòa nhà và khu chung cư thông minh hiện nay, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Global Home, thành viên sáng lập CLB Bất động sản TP.HCM khẳng đinh công nghệ số là nhu cầu tất yếu không thể khác được. Nổi bật lên trong đại dịch Covid vừa qua, việc quản lý khu chung cư, tòa nhà đã gặp rất nhiều khó khăn để kiểm soát dịch bệnh, tuân thủ 5K, tiêm chủng, vận chuyển tiếp tế thực phẩm, cách ly, giãn cách… Vì vậy đại dịch cũng chính là động lực để các nhà đầu tư quyết tâm chuyển đổi số cho quản lý vận hành tòa nhà của mình. Những trải nghiệm như kiểm soát bằng app thay vì điền form mẫu, sử dụng công nghệ không chạm, lắp camera phát hiện cháy nỗ, quản lý người tụ tập đông quá mức cho phép… tại các tòa nhà, căn hộ đang rất được người dùng hài lòng.
Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi tư duy của chủ đầu tư phải mở, nhìn thấy được những lợi ích lâu dài của việc đầu tư công nghệ đó, phía khách hàng cũng sẽ yên tâm và hài lòng hơn với những lợi ích mang đến từ việc ứng dụng công nghệ đó.
Trong vai trò là một chuyên gia tư vấn về công nghệ, ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty P.A.T, Phó Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM lưu ý, để trở thành tòa nhà thông minh phụ thuộc rất nhiều vào tầm nhìn của nhà đầu tư. Chẳng hạn trong tương lai tòa nhà có thể sẽ liên kết với những dịch vụ như siêu thị, trường học, bệnh viện…, đòi hỏi chúng ta phải có hướng đầu tư công nghệ để tiếp cận những điều đó ngay từ bây giờ. Mặt khác, các công ty bất động sản phải nhìn thấy được lợi thế cạnh tranh từ nguồn dữ liệu khách hàng mà mình đang có, sẽ có. Vì vậy, nếu xét về hiệu quả mang lại cho công việc bán hàng thì điều quan trọng đầu tiên là chủ đầu tư phải số hóa để quản lý ngay được toàn bộ hệ thống, văn bản, pháp lý, tất cả các hồ sơ liên quan xung quanh dự án của mình. Vì hiện nay nhiều người mua nhà rất băn khoăn về cơ sở pháp lý. Thứ hai, là phải quản lý được dữ liệu trong quá trình hình thành, như quản lý bản vẽ, số hóa thông tin và như một tài sản số, từ viễn thông, giao thông kết nối với chính quyền. Số hóa toàn bộ quá trình thi công, bản vẽ, phục vụ cho chuyện vận hành để cung cấp cho khách hàng khi họ cần để sửa chữa nhà chẳng hạn.
Xu hướng đổi mới sáng tạo số trong bất động sản
Chia sẻ về xu hướng đổi mới sáng tạo trong bất động sản của thế giới, ông Phan Tấn Quốc, Phó Giám đốc phòng đổi mới và sáng tạo KPMG Việt Nam nhấn mạnh, cùng với sự xuất hiện của Covid, xu hướng chuyển đổi số và lấy tiêu chí đổi mới sáng tạo làm trọng tâm của doanh nghiệp tương lai, vì vậy đòi hỏi mô hình vận hành quản trị trong bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải đạt được mức độ linh hoạt nhất định. Các tòa nhà trong tương lai đều phải hướng đến tập trung dữ liệu và phân tích dữ liệu để có thể tự động hóa, tối ưu giá trị ngôi nhà, mang trải nghiệm tốt cho người dùng bằng các giải pháp kết nối IoT, số hóa tòa nhà, ảo hóa không gian tòa nhà 360 độ hay 3D, công nghệ không chạm… Trong công cuộc chuyển đổi số, các tòa nhà hiện đại còn bắt buộc phải ứng dụng robot để tối ưu đội ngũ nhân sự, robot có phát hiện và xử lý những nơi không sạch sẽ chẳng hạn. Ngoài ra, ông Quốc cho biết trên thế giới hiện nay người ta có thể xây theo mô hình modul hóa, in những modul và có thể lắp ghép được.
Theo nghiên cứu của KPMG thực hiện dự báo cho năm 2022 về tác động của đại dịch đến ngành bất động sản Việt Nam, người dùng sẽ cần những không gian làm việc nhóm với độ linh hoạt cao, tức có thể sắp xếp một góc họp bất cứ lúc nào, ở đâu trong tòa nhà. Báo cáo cũng cho biết, mức độ đầu tư vào công nghệ của bất động sản sẽ giảm 25%. Sự xuất hiện của Covid cũng sẽ thúc đẩy các tòa nhà xây dựng bền vững, xanh, sạch hơn với những thiết bị diệt khuẩn, thiết bị an ninh và giải pháp không chạm.
Đại diện đến từ công ty Schneider Electric Việt Nam cũng đưa ra một khái niệm khá mới mẻ về một Tòa nhà lành mạnh của tương lai. Đó là tòa nhà thân thiện với sức khỏe con người, đạt chứng nhận về các chỉ số đối lưu không khí, lượng bụi, độ ồn, độ sạch, độ ẩm. Bên cạnh đó, tòa nhà lành mạnh còn tối ưu hóa được không gian sử dụng theo thời gian thực, giải quyết được những tình trạng của dịch bệnh trong tòa nhà, sử dụng triệt để các giải pháp không chạm…
Trong khuôn khổ sự kiện này, các công ty công nghệ cũng mang đến triển lãm nhiều giải pháp trong lĩnh vực tòa nhà và khu dân cư thông minh, bất động sản số, công nghệ trong xây dựng, bao gồm: Meey Land với giải pháp Meey Map, với chức năng hỗ trợ người dùng tra cứu thông tin quy hoạch, tìm kiếm tin giao dịch bất động sản và xem vị trí bất động sản trực quan trên bản đồ trực tuyến; Nền tảng số hóa bất động sản của Big Invest Group – ứng dụng Blockchain với các công nghệ thông minh, tạo ra một giải pháp toàn diện giải quyết những vấn đề tồn đọng của thị trường bất động sản, giúp nhà đầu tư/nhà môi giới/chủ đầu tư có những giải pháp hiệu quả hơn khi tham gia thị trường; Các giải pháp dành cho tòa nhà/khu dân cư thông minh của công ty TMA Innovation; Bộ giải pháp ứng dụng và chuyển đổi số dành cho các khu đô thị Bất động sản cao cấp của công ty Sao Bắc Đẩu; Các giải pháp về tour thực tế ảo online ứng dụng công nghệ về 360/VR/AR giúp khách hàng dễ dàng tham quan công trình một cách nhanh chóng và an toàn của công ty Success Software Servies…