Mỗi cá nhân đều có năng lực và khả năng khác nhau. Vấn đề quan trọng là người khởi nghiệp đừng "ảo tưởng" mình cũng có khả năng làm được những gì người khác làm.
Vấn đề quan trọng là người khởi nghiệp đừng "ảo tưởng" mình cũng có khả năng làm được những gì người khác làm.
Trên thực tế, nhiều startup thất bại vì nghĩ người khác làm được mình cũng làm được, hoặc chạy theo xu hướng đám đông và thị trường trong khi chưa định vị được năng lực bản thân. Nếu khởi nghiệp bằng cách ăn cắp ý tưởng, làm theo người khác mà không có thế mạnh riêng, ý tưởng sáng tạo khác biệt thì chắc chắn rất khó thành công.
Muốn định vị được năng lực bản thân cũng như chọn đúng lĩnh vực có thế mạnh để khởi nghiệp thì phải có sự trải nghiệm trong lĩnh vực đó để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, các kỹ năng cần thiết. Hành trình này mất rất nhiều thời gian nhưng là bước không thể thiếu. Bên cạnh đó, phải có kế hoạch chi tiêu và quản lý được dòng vốn.
Câu chuyện của startup Lee&Tee là một ví dụ. Ban đầu, để tiết kiệm chi phí, CEO của Lee&Tee chỉ ước lượng các chi phí một cách mơ hồ, ghi chép thu chi rất sơ sài. Các ghi chép thủ công của CEO này cho thấy việc kinh doanh vẫn tạo ra lợi nhuận, nhưng thực tế Lee&Tee bắt đầu lỗ nặng từ cửa hàng thứ 2 và nguyên nhân là do không phân biệt được tài chính cá nhân và tài chính kinh doanh.
Đối với những người mới khởi nghiệp, việc nhầm lẫn hai dòng tiền này rất thường xảy ra, cộng với việc phân bổ chi phí mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và không ghi chép rõ ràng... sẽ dẫn đến tình trạng tài chính rối rắm và mất cân bằng.
Ngoài quản lý chi tiêu và dòng tiền, các startup phải có chiến lược kinh doanh và lộ trình cụ thể theo từng quý, từng năm, tránh đặt ra mục tiêu lợi nhuận, doanh thu cao khi chưa có lộ trình kinh doanh và chiến lược khả thi để hoàn thành mục tiêu.
Thông thường, một startup thường bắt đầu từ một ý tưởng hay. Song, ý tưởng hay mà thiếu chiến lược, thiếu thực tế thì trở nên ảo tưởng vào năng lực bản thân, dẫn đến thất bại sau một thời gian ngắn. Ý tưởng hay chỉ là điều kiện cần, chỉ khi xác định được nhu cầu của thị trường, chuẩn bị hành động cụ thể với đầy đủ thế mạnh của bản thân, nguồn tài chính, thời gian, sự quyết tâm, kiên trì, thái độ tích cực học hỏi, sự trải nghiệm thực tế... thì mới đủ điều kiện để khởi nghiệp thành công.
Thời gian đầu khởi nghiệp, các startup sẽ thiếu rất nhiều thứ như vốn, kinh nghiệm kinh doanh, quản trị doanh nghiệp nên cần tích cực tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng mềm và kiến thức chuyên môn cũng như tham gia vào cộng đồng khởi nghiệp, các hội chuyên ngành, tổ chức doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn và tìm cơ hội hợp tác phát triển, xúc tiến thương mại, qua đó sẽ được tư vấn hữu ích về các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp. Đây cũng là cách marketing với chi phí rẻ nhưng hiệu quả rất cao.
Song hành với năng lực bản thân, mỗi startup cần định vị được năng lực của doanh nghiệp, trong đó sức mạnh của đội ngũ chính là thế mạnh của doanh nghiệp. Các startup cần tập trung đào tạo đội ngũ và có chính sách giữ chân nhân tài ngay từ vạch xuất phát của hành trình khởi nghiệp.
Tác giả là Tổng giám đốc Công ty CP Global Home