Chuyên gia cho rằng, dù Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1/7 nhưng chưa có hướng dẫn thực hiện nên người nước ngoài sẽ chưa vội mua nhà ở tại Việt Nam.
Từ hôm nay (1/7), Luật Nhà ở sửa đổi chính thức có hiệu lực. Trong đó có quy định cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường nhà đất, đặc biệt là sẽ “hâm nóng” thị trường bất động sản. Song tới thời điểm này, nhiều chuyên gia dự báo, thị trường sẽ chưa có phản ứng tích cực ngay vì độ trễ chính sách.
Động thái “chờ và xem” sẽ phổ biến
Theo tính toán ông Mai Yayongyia (người Lào, nghiên cứu sinh tại Đại học Kinh tế Quốc dân), hiện nay, để cư trú tại Việt Nam, người nước ngoài phải thuê nhà ở với giá căn hộ chung cư, nhà biệt thự từ 1.000 -7.000 USD/tháng. Như vậy, nếu cư trú trong 5 năm, người nước ngoài phải trả từ 60.000 đến hơn 400.000 USD. Đây là một số tiền không nhỏ, trong khi nếu mua được một căn hộ với tiện nghi bình thường có giá chỉ khoảng 70.000 – 200.000 USD/căn, vừa giảm bớt chi phí sinh hoạt, vừa được ổn định chỗ ở, yên tâm sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Ảnh minh họa
Do đó, theo ông Mai Yayongyia, chính sách cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam là tích cực.
Kể từ ngày 1/7 này, theo quy định của Luật Nhà ở sửa đổi, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có quyền được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Quy định này được kỳ vọng sẽ góp phần hâm nóng thị trường nhà ở nhờ dòng vốn ngoại sẽ đổ vào thị trường bất động sản Việt, góp phần thỏa mãn nhu cầu đang vượt cung tại thị trường Việt Nam. Nó sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu trên thị trường bất động sản về lâu dài.
Hiện đã tới mốc 1/7. Theo nhận định của ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, ảnh hưởng của hai điều luật này sẽ đưa bất động sản Việt Nam lên một bước trong việc tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, “sẽ không có tác động tức thì. Nhà đầu tư nước ngoài luôn theo dõi thị trường một cách cẩn thận. Người mua nước ngoài sẽ quan sát và tiến hành giao dịch chỉ khi thị trường thực sự hồi phục. Động thái “chờ và xem” sẽ phổ biến trước khi có một quyết định mua bán cụ thể nào” – ông Richard Leech nhấn mạnh.
Nhận định của ông Richard Leech là dễ hiểu. Bởi lẽ, lâu nay ở Việt Nam, đỗ trễ của chính sách chính là một rào cản lớn. Dù quy định chính sách tích cực đến đâu, nhưng độ trễ càng dài thì tác động của sự tích cực trên giấy đó tới thực tiễn càng kém.
Văn bản hướng dẫn “lỗi hẹn” sẽ hãm chân nhà đầu tư
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, kịch bản “lỗi hẹn” lại tái diễn để chứng minh độ trễ chính sách là chưa dễ khắc phục. Biểu hiện rõ nhất là tới hôm nay, dù hai Luật này đã chính thức có hiệu lực. Nhưng các nghị định hướng dẫn thi hành vẫn chưa được ban hành.
Vì thế, dù nhiều quy định được cho là tích cực, tiến bộ, nhưng chưa có hướng dẫn thực thi cụ thể thì cả chủ đầu tư và khách hàng cũng chỉ biết “ngóng” hoặc có làm tới thì cũng thấp thỏm lo “phạm quy”.
Theo phân tích của bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam (chuyên kinh doanh dịch vụ bất động sản), mục đích của nhà đầu tư vào bất động sản là để kiếm lời nhờ sự sinh lời trên giá trị cho thuê, bán lại và sinh lời trên giá trị tài sản. Ở Việt Nam có 2 sản phẩm chính là nhà ở (chủ yếu là chung cư và nhà đất) và bất động sản nghỉ dưỡng sẽ được các nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới nhiều hơn. Thời điểm hiện nay, nếu so sánh với Hongkong và Singapore thì giá nhà ở Việt Nam hiện đang thấp hơn. Với các điều kiện hỗ trợ khác, nhà đầu tư ngoại sẽ mua nhà ở Hà Nội và TP HCM nhiều hơn, sau đó cho thuê lại để kiếm lời. Bởi thị trường nhà đất Việt tỷ lệ sinh lời có thể tăng, trong khi thuế chưa tăng và quản lý cũng chưa quá chặt.
Tuy nhiên, theo bà An, nút thắt khiến thị trường sẽ chưa thể có sự sôi động ngay lập tức khi các luật mới có hiệu lực. Vì nhà đầu tư vẫn còn lăn tăn chưa quyết mua ngay vì chưa có quy định cụ thể về việc mua rồi bán lại họ sẽ phải chịu thuế như thế nào; quy định về chuyển nhượng lại cũng chưa có rõ ràng. Vì thế, “họ chắc chắn còn cân nhắc”- bà An nhấn mạnh.