Mua nhà được coi là việc hệ trọng trong đời, bởi ngôi nhà, mảnh đất là tài sản lớn, thậm chí là cả cơ nghiệp. Cũng bởi vậy mà hậu quả của những vụ lừa đảo trên thị trường bất động sản thường rất nặng nề. Số tài sản của người bị hại bị chiếm đoạt rất lớn, có vụ lên tới cả tỷ đồng.
Mất tiền cọc vì tin lời “cò”
Một trong những thủ đoạn được các đối tượng lừa đảo trên thị trường áp dụng chính là chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Một bạn đọc kể: “Hai vợ chồng mình từ quê lên Hà Nội lập nghiệp, sau bao vất vả và huy động cả hai bên nội ngoại giúp đỡ mới gom đủ hơn 1 tỷ đồng để mua đất tại Hà Nội. Sau hơn một tháng đi xem đủ loại đất, gặp đủ loại “cò” mà không tìm được mảnh đất vừa ý.
Hôm vừa rồi đọc trên mạng thấy có mảnh đất tại HN1 gần chỗ làm, khoảng tầm tiền đó nên vào xem. Được “cò” đất dẫn đi xem thấy rất ưng ý, mình hỏi xem sổ đỏ thì được cho xem sổ đỏ photo. Mình yêu cầu gặp chủ nhà để đàm phán giá thì “cò” bảo mảnh đất này được chủ nhà ủy quyền cho văn phòng của họ rồi nên họ sẽ đứng ra nhận đặt cọc và hẹn ngày để gặp chủ nhà làm hợp đồng mua bán công chứng.
Do mình chưa có kinh nghiệm, phần vì thấy mảnh đất đẹp và giá hấp dẫn nên đã làm hợp đồng đặt cọc và hẹn ngày làm hợp đồng. Đúng ngày hẹn mình đến văn phòng của họ thì chả thấy “cò” đâu. Hỏi ra thì bác chủ nhà bảo họ đã thanh lý hợp đồng thuê nhà và chuyển đi rồi. Vậy là đi tong số tiền đặt cọc”.
Giả “đại gia” nhà đất lừa đảo
Tuy nhiên, đó mới chỉ là chiêu lừa ở dạng “nghiệp dư”. Tinh vi đến độ dàn cảnh một kịch bản lừa hoàn hảo với cả nhóm người tham gia diễn là vụ án ở Sóc Trăng. Phan Văn Nghiệp – tức “bầu Nghiệp” đã thực hiện một kịch bản lừa hoàn hảo. Đồng bọn của Nghiệp còn có Châu Quốc Tuấn và Ngô Nguyễn Anh Vũ.
Tình cờ biết chị Tiên chuyên mua bán nhà đất, Vũ tìm cách xin số điện thoại rồi đưa cho Nghiệp. Sau đó, Nghiệp giao cho Vũ đi tìm người bán nhà, còn Nghiệp liên hệ với chị Tiên và cho biết có “đại gia” ở TP.HCM cần mua nhà, chị Tiên biết chỗ bán thì cho Nghiệp hùn vốn mua để bán lại. Cùng thời gian này, Vũ đến ấp Phù Ly 1 (xã Đông Bình) gặp chị Vân đang bán nhà. Vũ hỏi mua với giá 550 triệu đồng và dặn chị Vân: “Nếu có người đến mua thì nói giá là 750 triệu đồng và yêu cầu đặt cọc 300 triệu đồng”.
Khi Nghiệp và chị Tiên đến xem nhà, chị Vân kêu giá 750 triệu đồng như Vũ đã dặn. Để tăng phần tin tưởng từ chị Tiên, trên đường về Nghiệp nói với chị Tiên là “căn nhà của chị Vân bán lại khoảng 900 triệu đến 1 tỷ đồng”. Theo kế hoạch, Nghiệp phân công Tuấn đóng vai “đại gia” mua nhà, rồi Nghiệp điện thoại cho chị Tiên hẹn cả ba cùng đến nhà chị Vân. Tại đây, chị Tiên ra giá căn nhà của chị Vân là 1 tỷ đồng, Tuấn trong vai “đại gia” giả vờ trả giá 900 triệu đồng.
Băng nhóm của Nghiệp
Thấy lời hàng trăm triệu đồng, chị Tiên lập tức thỏa thuận mua bán ngôi nhà này với chị Vân với mục đích nhằm “bán sang tay kiếm lời của đại gia”. Trong hợp đồng có ghi: “Chị Tiên đồng ý mua nhà và đất giá 750 triệu đồng, đặt cọc trước 300 triệu đồng. Trong thời hạn 30 ngày, chị Tiên không trả đủ thì sẽ mất tiền cọc”. Nghiệp chuyển cho chị Tiên 50 triệu đồng nói là “tiền đặt cọc của đại gia”.
Đúng hẹn, Tiên đến nhà Vân đặt cọc và không ngờ đồng bọn của Nghiệp đã chờ sẵn ở đây. Sau khi giao cho chị Vân 300 triệu đồng, đồng bọn của Nghiệp đã lấy lại 200 triệu đồng như đã thỏa thuận. Số tiền chiếm đoạt được, Nghiệp lấy lại 50 triệu đồng (bỏ ra ban đầu vờ là tiền đặt cọc của “đại gia”), còn lại 150 triệu đồng cả nhóm chia nhau.
Về phần chị Tiên, quá hạn mãi mà không thấy tăm hơi của cả Nghiệp lẫn “đại gia” nên đã điện thoại hối thúc. Nhưng lúc này điện thoại đã tắt và cả hai đều lặn không sủi tăm. Tìm đến nhà chị Vân để tìm hiểu chị Tiên mới vỡ lẽ ra mọi chuyện rằng cả hai đều là nạn nhân của một kịch bản lừa ngoạn mục.
MuaBanNhaDat theo Năng lượng Mới 532