Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà có thu nhập thấp...
Tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà có thu nhập thấp
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang có ý kiến với các bộ, ban, ngành về dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỉ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay từ 3 – 5% đối với khách hàng mua. Đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2% như hiện nay.
Trước đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà, nhưng Bộ Xây dựng cũng nhận xét mức lãi suất này còn cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên “chưa thực sự thu hút người vay”.
Thông tin về gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 34/63 tỉnh thành có văn bản, công bố 78 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên cổng thông tin điện tử. Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân với số tiền là 1.344 tỉ đồng gồm 1.295 tỉ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và 49 tỉ đồng cho người mua nhà tại 5 dự án.
Đối với kết quả phát triển nhà ở xã hội, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay, đến nay có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án đủ điều kiện vay gói 120.000 tỉ đồng. Một số địa phương có nhiều dự án như TP. Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...
Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét tăng thời hạn cho vay là 10-15 năm, lãi suất thấp hơn 3-5% so với ngân hàng thương mại thông thường, để hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
“Bộ Xây dựng đã có văn bản thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, tạo điều kiện cho người tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phù hợp với các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy nhà ở xã hội”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng cho hay.
Thông tin thêm về nội dung này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước muốn trình thêm các chính sách cởi mở hơn tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước muốn trình thêm các chính sách cởi mở hơn tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được gói tín dụng 120.000 tỉ đồng
Cũng theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện có 4 ngân hàng thương mại cổ phần (Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank) muốn tham gia với quy mô 5.000 tỉ đồng/ngân hàng nâng quy mô gói tín dụng lên 140.000 tỉ đồng. Ngoài ra, mức lãi suất cho vay gói tín dụng này giảm 3%/năm thay vì 2%/năm như hiện tại. Thời gian xác định lãi suất đề xuất điều chỉnh 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần như trước đó.
“Sau thời gian ưu đãi, Ngân hàng Nhà nước không để thả nổi, tránh hiện tượng ngân hàng tự ý tăng lãi suất lên cao mà vẫn kiểm soát lãi vay trên tinh thần vẫn thấp hơn mặt bằng chung để hỗ trợ người vay hiệu quả hơn. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng cho vay hỗ trợ mua nhà ở xã hội, tạo điều kiện tối đa cho người mua nhà có thu nhập thấp”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Rất ít người tiếp cận được gói vay 120.000 tỉ đồng
Nói về câu chuyện lãi suất cho vay của gói 120.000 tỉ đồng, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (Agribank) cho hay, mối quan tâm lớn nhất của người đi vay là lãi suất. Thực tế cho thấy, hiện nay số lượng khách hàng cá nhân được giải ngân theo gói vay chiếm tỉ trọng rất thấp. Bởi lẽ, họ thấy mức lãi suất cho vay hiện nay với người mua nhà ở xã hội vẫn còn cao hơn so với lãi suất của Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Do đó, họ vẫn trông chờ để được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Chỉ khi nào họ không có cơ hội để vay theo mức lãi suất ưu đãi 4,8% của ngân hàng chính sách thì mới tính đến gói 120.000 tỉ đồng” - bà Phùng Thị Bình.
Đến nay có 30 địa phương công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay gói 120.000 tỉ đồng
Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc G-Home (một doanh nghiệp chuyên phát triển nhà ở xã hội) đánh giá, mức lãi suất cho vay tại ngân hàng chính sách đúng là phù hợp với người có thu nhập thấp. Nhưng thực tế rất ít người tiếp cận được gói vay này.
“Nhiều người nhận được câu trả lời là tạm thời hết nguồn lực để giải ngân. Trong khi đó, lãi suất của gói 120.000 tỉ đồng có thấp hơn mặt bằng chung nhưng mức chênh lệch không đáng kể. Do đó, ngân hàng thương mại nhà nước tham gia chương trình này cần xem xét giảm lãi suất thấp hơn nữa để cả doanh nghiệp và người mua dễ tiếp cận hơn”, ông Nam đề xuất.
Chuyên gia bất động sản, TS Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, lãi vay ưu đãi vì mục đích hỗ trợ cho người thu nhập thấp mua nhà ở xã hội thì nên duy trì ở mức thấp hơn, hoặc bằng lãi huy động của các ngân hàng.
“Giá nhà ở xã hội hiện nay đang duy trì ở mức cao vì các chi phí đầu tư ban đầu cao. Do vậy, lãi vay ưu đãi cho người mua nhà nên duy trì ở mức khoảng 5%/năm là phù hợp”, TS Huỳnh Phước Nghĩa nêu quan điểm.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến nay, cả nước có 503 dự án nhà xã hội đang triển khai, tăng 4 dự án so với cách đây hai tháng. Trong đó, 75 dự án hoàn thành với gần 40.000 căn, tăng 3 dự án với hơn 1.700 căn so với hai tháng trước.