Chiều 24/10, Quốc hội thảo luận về nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). TS.Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu TPHCM đề nghị dự luật phải góp phần khắc phục tình trạng người dân góp tiền mua nhà nhưng chủ đầu tư lại lấy tiền góp vốn này để làm việc khác, khiến người mua chờ đợi, đau khổ…
Ông Lịch cho rằng, việc phải góp bao nhiêu % vốn vào dự án bất động sản, người mua biết còn chuyện số tiền đó được sử dụng ra sao thì lại không minh bạch, người mua không biết. Như vậy là pháp luật vẫn để lỗ hổng cho người có bất động sản lợi dụng, chiếm tiền của dân.
Do đó, dự thảo luật cần có điều khoản góp vốn mua, thuê nhà ở hình thành trong tương lai, trong đó bắt buộc tiền góp vốn phải được ký gửi tại một ngân hàng do chủ đầu tư quy định và ghi rõ trong hợp đồng; số tiền này chỉ được giải ngân cho công trình góp vốn, cấm dùng vào mục đích khác; người góp vốn hoặc đại diện người góp vốn có quyền yêu cầu ngân hàng hoặc chủ đầu tư minh bạch việc sử dụng số tiền này. Đồng thời, dự luật chỉ nên quy định tỷ lệ góp vốn lần 1 tối đa 30% và tỷ lệ nộp tối đa là 95% cho đến khi người mua được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhà ở, còn phần góp vốn trong giai đoạn triển khai thì để các bên tự thỏa thuận.
Mới xong phần móng đã thu 50 - 70% số tiền, chủ đầu tư rất dễ dùng tiền góp vốn vào việc khác.
Theo một số đại biểu, các quy định của dự thảo luật chưa cân xứng giữa bảo vệ chủ đầu tư bất động sản và bảo vệ người mua bất động sản. Bởi các hành vi bị cấm quy định trong dự luật còn nhẹ quá, cần phải quy thành những hành vi bị truy cứu trách nhiệm hình sự như: gian lận, lừa dối trong kinh doanh; huy động, chiếm dụng vốn trái phép; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước…
“Nhiều chủ đầu tư thu tiền của dân nhưng bỏ hoang hóa dự án hàng chục năm, dân không có nhà, đất thành bãi cỏ hoang, nhà đầu tư không đóng tiền sử dụng đất, như vậy là lừa cả dân, lừa cả nhà nước. Có lẽ chúng ta phải mạnh dạn quy định như vậy mới ngăn chặn được tình trạng lừa đảo, chụp giật trong kinh doanh bất động sản. Mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua dễ bị lợi dụng, quyền của khách hàng chưa được bảo đảm”, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) nhấn mạnh.
Nhằm bảo vệ người mua bất động sản, dự thảo luật quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai. Theo báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro, dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, đề nghị cần quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho hay, dự án Luật quy định việc mua, thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai thì chủ đầu tư chỉ được thu tiền của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và thu không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà cho khách hàng; phải có bảo lãnh thì mới được bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và các quy định về tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà hình thành trong tương lai.
Trước ý kiến cho rằng quy định khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh cho phép là tăng thêm thủ tục hành chính và đề nghị bỏ quy định này. Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều trường hợp dự án nhà ở chưa đủ điều kiện nhưng chủ đầu tư đã bán, thu tiền của khách hàng dưới dạng góp vốn, hợp tác kinh doanh, sau đó dự án chậm tiến độ hoặc không được triển khai phát sinh tranh chấp, khiếu kiện.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin chỉnh lý theo hướng chủ đầu tư chỉ phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (khoản 2 Điều 55).
Tại buổi thảo luận, góp ý cho dự thảo Luật, một số đại biểu cũng nhất trí phải tăng cường giám sát, chế định việc sử dụng tiền góp vốn của người mua các dự án bất động sản hình thành trong tương lai. Ở các nước, việc mua bán bất động sản đều phải thông qua ngân hàng thương mại. “Đấu tranh chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh bất động sản mà gạt vai trò của ngân hàng là không hợp lý”, TS.Nguyễn Đức Kiên nói.
Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng: Mới xong phần móng đã thu 50 - 70% số tiền thì chủ đầu tư rất dễ dùng tiền góp vốn vào việc khác. “Tôi ủng hộ việc tăng cường vai trò giám sát của ngân hàng trong việc chủ đầu tư sử dụng tiền ứng trước, quy định rõ trách nhiệm giữa 3 bên: người mua, chủ đầu tư và ngân hàng. Cần có quy định chặt về đầu tư bất động sản để đảm bảo quyền của các bên tham gia”, ông Hùng góp ý.
Về ý kiến của các đại biểu việc thanh toán trong giao dịch bất động sản, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết là sẽ tiếp thu quy định theo hướng việc thanh toán trong kinh doanh bất động sản bằng tiền mặt hoặc thông qua ngân hàng thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh toán.