Người ra vào tự do vì không ai kiểm soát tại chung cư CT12C, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội) - ảnh chụp chiều 6.5. Ảnh: V.Đ
Quản lý chung cư: Người đến không biết, người đi chẳng hay!
Thời gian qua, tại Hà Nội và một số địa phương liên tiếp phát hiện các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép thuê phòng ở các chung cư, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và làm tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Ðiển hình là đêm 2.5, Công an quận Cầu Giấy, Công an quận Nam Từ Liêm cùng các phòng nghiệp vụ Công an TP Hà Nội phối hợp phát hiện 46 đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép, thuê 9 phòng trong chung cư Florence 28 Trần Hữu Dực (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm) để ở. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại đây có nhiều căn hộ cho thuê dưới dạng phòng nghỉ nhưng không đăng ký giấy phép kinh doanh. Đến tối 4.5, Công an TP Hà Nội tiếp tục phát hiện, bắt quả tang 12 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép trên địa bàn quận Hà Đông. Ðây thật sự đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng và đáng lo ngại, nhất là khi hàng loạt vụ việc người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào nước ta vừa bị phát hiện.
Từ vụ phát hiện 46 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép và thuê tại chung cư Florence khiến nhiều Ban quản lý các tòa nhà chung cư ở Hà Nội phải giật mình khi công tác quản lý còn lỏng lẻo. Bà Vũ Thị Xuyến (65 tuổi), trú tại chung cư trên nói với Lao Động cho biết: Bản thân tôi cũng như nhiều cư dân tại đây cảm thấy khó hiểu khi người nước ngoài đến sinh sống nhưng lại không được phát hiện kịp thời khi dịch bệnh đang vô cùng phức tạp.
Trong khi đó, bà Nguyễn Vy Hương (46 tuổi, ở chung cư Florence) cho rằng, việc nhóm 46 người cư trú trái phép cho thấy phía Ban quản lý tòa nhà còn quản lý “lỏng lẻo, chưa chặt chẽ” nên không hay biết. “Ban quản lý toà nhà đáng ra phải kiểm soát tốt việc người ra vào, sinh sống tại tòa nhà này” - bà Hương nói thêm.
Theo ghi nhận của PV tại toà nhà CT12B và CT12C ở khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội), việc quản lý người dân ra vào tại đây cũng rất lỏng lẻo. Cụ thể, tại toà CT12B có 45 tầng được chia thành 2 bên để sử dụng thang máy. Tuy nhiên, dù có 2 bảo vệ ngồi trực tại khu vực lễ tân tầng 1 nhưng những người ra vào rất tự do mà không được kiểm soát. Người dân ra vào cũng không bị kiểm soát hay bị lực lượng bảo hệ kiểm tra. Không những vậy, tại sảnh cầu thang để di chuyển lên các tầng trong toà cũng không có lực lượng bảo vệ túc trực để kiểm soát người lạ ra vào chung cư. Thang máy di chuyển lên xuống các tầng cũng không phải sử dụng thẻ ra vào, người dân có thể tự do đi lại.
Đặc biệt, thay vì di chuyển bằng cửa chính của sảnh tầng 1 để tới thang máy, người dân có thể đi lại bằng cửa ngách bên hông của toà nhà. Riêng khu vực cửa ngách này người dân có thể tự do đi lại mà không có lực lượng bảo vệ kiểm soát. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại chung cư CT12C.
Còn chị Hoàng Oanh (35 tuổi) đang sống tại chung cư HH Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, gia đình chị về ở đây đã hơn 1 năm nhưng chưa một lần được hội họp gì trong khu nhà này. Mặc dù, ở đây có Ban quản lý dự án nhưng mỗi khi cầu thang bị hỏng, ống nước bị vỡ, liên lạc tìm để họ sửa chữa cũng đã “bở hơi tai”, cho nên có hôm ống nước bị vỡ cả tuần mới được sửa chữa, huống chi việc đảm bảo các quyền lợi khác cho người dân”.
Tăng cường sự giám sát của công an phường
Từ câu chuyện quản lý cư dân ở các tòa nhà chung cư không được chặt chẽ, điều đó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 mà còn cho thấy “lỗ hổng” trong công tác quản lý tạm trú, tạm vắng trên địa bàn khu chung cư, cần phải siết chặt.
Ông Bùi Hồng Đăng - Tổ trưởng Tổ dân phố số 4 xã An Khánh, huyện Hoài Đức cho biết, việc người dân đến thuê nhà thì chủ nhà hoặc cá nhân cho thuê phải có trách nhiệm thông báo với tổ dân phố để quản lý. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp đến thuê nhà đều không thông báo, còn những chủ nhà cũng không hề quan tâm đến vấn đề này.
Đại tá Nguyễn Thành Long - Trưởng Công an quận Nam Từ Liêm cho biết, việc tăng cường quản lý tạm trú tạm vắng là đương nhiên, cả thành phố đang làm.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề quản lý tạm trú, tạm vắng hiện nay, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, theo quy định của pháp luật, cư dân chuyển đến sinh sống trong vòng 1 tháng, phải khai báo tạm trú, tạm vắng tại địa phương nhưng nhiều người dân, nhất là người nước ngoài sinh sống ở các tòa nhà chung cư vẫn chưa có ý thức cao trong vấn đề này. Hơn nữa, theo vị luật sư này ở một số dự án nhà chung cư, chủ đầu tư vẫn chưa phối hợp và thống nhất được với người dân về vấn đề thành lập Ban Quản trị nên công tác kết nối với chính quyền địa phương trong việc quản lý dân cư gặp khó khăn.
Ông Tùng cho rằng, đầu tiên công tác quản lý lưu trú của chúng ta chưa tốt. Trách nhiệm quản lý để phát hiện ra lưu trú bất hợp pháp này đầu tiên là lực lượng công an cơ sở và đơn vị thiết chế bảo vệ an ninh cấp cơ sở ví dụ như bảo vệ tại các tòa nhà, chung cư. Theo quy định tại Điều 347, Bộ luật Hình sự về tội xuất nhập cảnh trái phép thì chỉ xử lý hình sự trong trường hợp họ đã bị xử lý hành chính hành vi này. Tuy nhiên, nếu chưa xử phạt về hành chính thì không thể xử lý hình sự đối với các đối tượng là người nước ngoài nhập cảnh. Đối với đối tượng đưa dẫn, tổ chức điều kiện cho nhóm đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam thì sẽ phạm vào Điều 348 Bộ luật Hình sự với chế tài không nhẹ, ở khoản cao nhất có thể xử tù đến 15 năm.
Theo ông Tùng, để quản lý chặt công tác tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn, đầu tiên phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đồng thời là sự góp sức của công dân trên địa bàn. Làm sao mỗi một công dân trên địa bàn nhất là khu vực trọng điểm là các tòa chung cư mà họ cùng với lực lượng Công an phường giám sát các trường hợp nhà hàng xóm… Các lực lượng bảo vệ phát hiện, giám sát đoàn đông người ra vào.