Bộ KH-ĐT đang xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án sử dụng đất (dự thảo Nghị định) và thông tư quy định mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn NĐT thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu (dự thảo Thông tư) hướng dẫn quy định của luật Đất đai và luật Đấu thầu. Tuy nhiên, quy định liên quan đến điều kiện đấu thầu lựa chọn NĐT với các dự án sử dụng đất đang khiến doanh nghiệp (DN) trong nước đứng ngồi không yên.
Tăng giá thầu, hiệu quả đầu tư thấp
Bà T.Q.T, lãnh đạo một DN lớn về bất động sản du lịch, dịch vụ, phân tích: Quy định DN phải có kinh nghiệm đã thực hiện dự án có quy mô tương đương 50 - 70% dự án mời thầu là một tiêu chí cao. Tuy nhiên, những điều kiện này có thể lại trở thành thách thức lớn đối với các DN nhỏ và vừa (SMEs) - vốn là lực lượng DN chiếm tới 96 - 97% tổng số DN trên cả nước. Có những DN trước đây chưa có nhiều cơ hội tham gia các dự án lớn nhưng sau thời gian tích lũy tài chính và kinh nghiệm, hiện muốn góp sức cho nhà nước trong một dự án trọng điểm, nhưng nếu chiếu theo yêu cầu trên lại không đáp ứng được. Như vậy, các DN sẽ mãi không được trao cơ hội tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực cạnh tranh. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn, khiến họ khó có thể phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh, ảnh hưởng và kìm hãm sự phát triển chung của nền kinh tế.
"Nếu những quy định trên đưa vào áp dụng, chắc chắn sẽ hạn chế số lượng DN có thể tham gia đấu thầu các dự án bởi tiêu chí quá cao mà chỉ có một số ít các nhà thầu lớn đáp ứng được. Có thể hiểu đơn giản, các dự án lớn, chất lượng sẽ chỉ dành cho một số ít các DN. Khi đó, các DN lớn nếu không mặn mà thì dự án sẽ rơi vào tay DN ngoại hoặc không tìm được NĐT. Chưa kể, việc chỉ có một số ít các nhà thầu lớn đáp ứng đủ tiêu chí sẽ làm giảm sự đa dạng của nhà thầu, làm giảm tính cạnh tranh", bà T.Q.T nhận xét.
Theo bà, việc giảm mức độ cạnh tranh trong đấu thầu sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Đầu tiên là làm tăng giá thầu, chi phí cho các dự án công có thể bị đội lên, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước và hiệu quả đầu tư. Tiếp đến là giảm chất lượng công trình. Ngoài ra còn tăng khả năng độc quyền và "lợi ích nhóm". Về lâu dài còn dẫn tới hệ lụy sẽ không thể phát triển các đô thị quy mô lớn, mang đến diện mạo khang trang cho nhiều vùng đất.
"Dưới góc độ DN từng tham gia nhiều dự án quy mô từ lớn đến rất lớn, nếu chỉ nghĩ đến lợi ích DN thì chúng tôi không ngại những điều kiện như trên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để các DN có thể phát triển bền vững là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch trong đấu thầu. Cộng đồng DN cùng phát triển thì nền kinh tế nói chung mới mạnh, bền vững được.
Vì thế, tôi cho rằng cơ quan nhà nước nên xem xét điều chỉnh điều kiện sao cho phù hợp hơn với tình hình thực tế của các DN trong nước, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án. Đơn cử, có thể điều chỉnh yêu cầu kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự từ 50 - 70% xuống còn 30 - 50% để tạo điều kiện cho nhiều DN hơn có thể tham gia. Thậm chí, nên dành riêng một tỷ lệ nhất định các gói thầu công cho SMEs và khuyến khích sự hợp tác giữa SMEs cùng các DN lớn", bà T.Q.T đề xuất.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Global Home, cho rằng quy định DN muốn tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm thực hiện dự án có quy mô tương đương 50 - 70% dự án mời thầu gây hạn chế cho DN trong nước, tương tự câu chuyện quả trứng và con gà. DN muốn tăng quy mô, cải thiện vốn thì phải có dự án triển khai, muốn có dự án thì phải tham gia dự thầu, mà tham gia dự thầu thì lại bị ràng buộc vào quy mô. Điều này không chỉ tạo vòng luẩn quẩn mà còn là đối xử không công bằng giữa các DN.
Nếu áp dụng quy định trên thì nhiều DN mới thành lập nhưng tiềm lực kinh tế mạnh, năng lực chuyên môn tốt, mà bị giới hạn về thời gian, thâm niên, năng lực công trình… sẽ không đủ điều kiện. Chưa kể, hiện nay khi thực hiện các dự án quy mô lớn, các tập đoàn thường chọn giải pháp là thành lập pháp nhân mới là công ty liên doanh, liên kết để đấu thầu, triển khai và thực hiện các hợp đồng phục vụ dự án. Một tập đoàn không thể lập ra DN có thâm niên, kinh nghiệm, quy mô vốn lớn đáp ứng những điều kiện này.
"Quy định trên rõ ràng có nhiều vấn đề hạn chế quyền lợi của các NĐT, khiến DN bị đối xử không công bằng", ông Nguyễn Duy Thành nhận xét.
Nguy cơ dự án rơi vào tay DN ngoại
Tập hợp ý kiến từ nhiều DN, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) đã gửi văn bản góp ý dự thảo Thông tư. Trong đó, VCCI chỉ ra rằng quy định về quy mô vốn tối thiểu khi đánh giá kinh nghiệm của NĐT có tác động hạn chế NĐT tham gia đấu thầu các dự án sử dụng đất có quy mô lớn. Đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được NĐT có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn. Ví dụ, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đăng tải dự án có quy mô tổng vốn đầu tư thực hiện lên đến hơn 80.000 tỉ đồng.
Theo quy định này, đòi hỏi NĐT phải có kinh nghiệm đã từng thực hiện dự án từ 40.000 - 56.000 tỉ đồng trở lên thì mới được tham gia đấu thầu. "Với những tiêu chí trên thì chỉ có một số rất ít DN có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh quy định tại luật Đấu thầu năm 2023. Đồng thời quy định này rất bất lợi cho các NĐT trong nước khi phải cạnh tranh với NĐT nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay DN nước ngoài thay vì DN trong nước", ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư có quy định NĐT phải có vốn góp chủ sở hữu với giá trị tối thiểu, trong khoảng 50 - 70% yêu cầu về vốn chủ sở hữu của dự án đang xét. Tuy nhiên theo phản ánh của các DN, trong thực tiễn việc xác định thông tin này khá mất thời gian trên hệ thống kế toán. DN không thể tự báo cáo mà phải làm thêm các thủ tục như thuê kiểm toán để có bên thứ ba xác nhận.
Trong khi đó, quy định về kinh doanh bất động sản đã có quy định tương tự về đánh giá vốn chủ sở hữu của NĐT, dao động từ 15 - 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét tùy vào diện tích đất của dự án. Đây là tiêu chí đánh giá năng lực của NĐT được thực hiện ổn định từ trước đến nay và đảm bảo tính hợp lý, khả thi. Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo không quy định việc chứng minh vốn chủ sở hữu đã góp của NĐT đối với những dự án trước đây.
Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra khó khăn không cần thiết đối với các nhà thầu mới. Do đó việc đưa quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của NĐT cần được hết sức cân nhắc.