Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là virus corona sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến giá nhà đất.
Thị trường bất động sản, cũng như nhiều ngành nghề khác, đang trải qua một cú sốc mạnh mẽ do virus corona mang đến. Nhiều ý kiến cho rằng giá nhà đất có lẽ sẽ mất đi động lực tăng, thậm chí là rơi xuống các mức thấp hơn trong vài tháng tới. Đó là một cú sốc sắc nét mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được.
Tính đến một vài tháng gần đây, hầu như mọi người đều nhận thấy thị trường bất động sản đã tìm thấy một động lực tăng trưởng. Nó liên quan đến quyết định cắt giảm lãi suất vào năm ngoái và giảm bớt các điều kiện tín dụng. Nhưng dịch Covid-19 đã bùng phát, và virus corona mỗi ngày càng lây lan rộng rãi hơn trên khắp toàn cầu. Khởi đầu từ Trung Quốc và châu Á, giờ đây tâm dịch đã chuyển sang châu Âu.
Rất nhiều Ngân hàng Dự trữ trên thế giới đã cắt giảm lãi suất trong khi các chính phủ tung ra các gói kích cầu kinh tế ngay khi dịch bệnh bắt đầu. Ở một khía cạnh nào đó, điều này mang ý nghĩa tích cực đối với thị trường bất động sản (có nghĩa là giá sẽ ổn định hoặc tăng lên).
Nhưng lý do các ngân hàng có động thái trên vì virus corona đang tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế. Đó là hiện thực mà không ai có thể phủ nhận. Các gói kích cầu có thể kích thích tài chính phục hồi, nhưng vẫn có những hạn chế mà chính phủ chưa chắc có thể giải quyết được. Đó chính là câu chuyện việc làm.
Các chuyên gia bày tỏ sự lạc quan về một sự phục hồi vào năm 2021. Nhưng trong ngắn hạn, một cuộc khủng hoảng việc làm vì ảnh hưởng của dịch bệnh là không thể tránh khỏi. Nhiều lĩnh vực của nền kinh tế sẽ buộc phải cắt giảm nhân sự, khiến cho nhiều người lâm vào hoàn cảnh thất nghiệp. Sẽ không ngoa khi nói virus corona đang tạo ra sự bất ổn lớn hơn trong cộng đồng dân cư và trong nền kinh tế.
Cho đến thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đã chứng kiến một số tác động của dịch bệnh. Điểm mấu chốt đó là giá nhà đất đang đi xuống do có sự thoái lui về nhu cầu, khiến động lực tăng từng được kỳ vọng trước đó bị loại khỏi thị trường.
Chúng ta có thể thấy những điều tương tự cũng đang xảy ra với những loại tài sản khác, đơn cử như cổ phiếu. Thị trường chứng khoán đã liên tục lao dốc trong những ngày vừa qua tạo nên một cơn lũ bán tháo cổ phiếu, đưa giá của chúng về mức thấp. Đối với những người giàu có nhờ thị trường cổ phiếu, sự thịnh vượng của họ đang giảm sút. Nhiều người trong số họ vốn là những khách hàng tiềm năng của thị trường nhà đất, nhưng giờ đây điều đó đang trở nên xa vời.
Giữa bối cảnh này, những người mua có công việc ổn định và an toàn nhận được nhiều lợi ích vì tổng thể thị trường nhà đất đang có một sự thông thoáng nhất định. Ngược lại, virus corona loại bỏ một nhóm người mua vốn tiếp cận theo cách “há miệng chờ sung”, hoặc đơn giản hơn là những người mất điều kiện mua vì thu nhập giảm sút.
Bên cạnh đó còn có một nhóm người mua khác, đó là những người đang có công ăn việc làm nhưng không chắc chắn liệu virus corona có làm ảnh hưởng đến mức lương hay công việc của họ hay không. Một bộ phận trong nhóm này có thể là khách hàng tiềm năng, ngược lại một số khác sẽ mất khả năng tham gia vào thị trường.
Đối với người bán, việc của họ là phải biết tăng giá trị của những mặt hàng đang dần trở nên mờ nhạt. Những nhà bán hàng linh hoạt sẽ biết cách để trì hoãn và làm chậm lại quá trình giảm giá.
Luôn luôn có những người cần bán một thứ gì đó vì bất cứ lý do nào. Doanh thu có thể giảm, nhưng vẫn sẽ có tài sản đi vào thị trường.
Trong khi đó, thị trường đã trở nên khó khăn hơn cho các nhà đầu tư. Họ có thể hưởng lợi phần nào từ việc giảm lãi suất, nhưng lợi ích đó bù đắp cho giá nhà đất giảm xuống.
Các nhà đầu tư cần nhận thức được những tác động của virus corona đối với nền kinh tế sẽ làm nổi bật áp lực giảm giá nhà đất trong ngắn hạn. Nếu điều đó diễn ra, nhà đầu tư đang ở vị trí tốt hơn để mua thay vì bán (nhằm bổ sung thêm danh mục tài sản hiện có).
Bất kể là người mua, người bán hay nhà đầu tư bất động sản, bức tranh tổng thể đều giống nhau. Từ khu vực này đến khu vực khác, mỗi người đang có những dự tính khác nhau, nhưng có cùng điểm giống nhau là phải tính đến tác động do virus corona vốn đang hiện diện khắp nơi.
2020 có lẽ sẽ là một năm khó khăn cho nền kinh tế. Dấu hiệu cho một cuộc suy thoái đang đến, trong khi các công ty lớn có thể sẽ không cần sa thải nhân viên của họ, vẫn có vô số doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với khả năng không có doanh thu. Như vậy, họ không có sự lựa chọn nào khác.
Khả năng tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu một nhà hàng không có thực khách nào, họ chỉ có cách giảm bớt nhân viên hoặc đóng cửa. Gói kích cầu được nhắm mục tiêu tốt nhưng không có gói kích cầu nào trên thế giới có thể ngăn chặn một số hiệu ứng như trên xảy ra.
RBA đã nói về một số sự phục hồi vào cuối năm nay, và dù ai cũng hy vọng điều đó xảy ra, có lẽ nền kinh tế sẽ chỉ quay trở lại bình thường vào năm 2021. Mọi thứ sẽ trở lại quỹ đạo của nó, nhưng chắc chắn phải có những thương vong trước khi nó trở thành hiện thực.
Theo Cafeland