Trang chủ / Tin tức / Tin tức - sự kiện / Báo động tình trạng rút ruột quỹ bảo trì chung cư

Báo động tình trạng rút ruột quỹ bảo trì chung cư

Một số thành viên ban quản trị nhà chung cư lợi dụng kẽ hở của quy chế quản lý để biển thủ, trục lợi quỹ bảo trì.

Báo động tình trạng rút ruột quỹ bảo trì chung cư

  Ngày càng nhiều ban quản trị chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư

 

 

Việc chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại, nổi bật qua vụ bê bối gần đây tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, khi một số thành viên ban quản trị thông đồng rút ruột hơn 20 tỷ đồng quỹ bảo trì, tương đương một nửa quỹ bảo trì của dự án.

Vụ việc này, được phanh phui vào cuối năm 2023, liên quan đến việc phó ban quản trị lập lệnh chuyển trực tuyến 2 tỷ đồng vào tài khoản cá nhân của trưởng ban. Ngay sau đó, thành viên ban quản trị đã phát hiện vụ việc và yêu cầu trưởng ban quản trị trả lại số tiền thâm hụt.

Các thành viên khác của ban quản trị nhận ra sự bất thường và tiếp tục rà soát mới phát hiện thêm 22 tỷ đồng đã bị rút ra từ cuối năm 2022. Cho đến nay, trưởng ban quản trị đã trả lại 10 tỷ đồng, số tiền còn lại vẫn chưa được thu hồi. 

Mô hình chiếm dụng đáng báo động

Vụ việc tại Phú Nhuận không phải là trường hợp duy nhất. Vào đầu tháng 3 năm nay, công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã khởi tố vụ án hình sự đối với các cựu thành viên ban quản lý chung cư Miếu Nổi và một nhà thầu về hành vi “tham ô tài sản.”

 Điều tra cho thấy một số thành viên ban quản trị móc nối với nhà thầu nâng khống giá trị hợp đồng thang máy và thay thế bằng thiết bị rẻ hơn, chiếm đoạt phần chênh lệch gần 1 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, cư dân của một chung cư trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, đã tố cáo ban quản lý có dấu hiệu gây thất thoát hàng tỷ đồng trong quá trình cải tạo, bao gồm việc thông hút bể phốt và thay điều hòa, dẫn đến tổn thất tài chính đáng kể.

Việc trục lợi quỹ bảo trì ngày càng báo động vì nguồn tiền quỹ bảo trì rất lớn và dễ bị rút ruột.

Các chuyên gia ước tính quỹ bảo trì căn hộ trên toàn quốc vượt quá 100 nghìn tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tùy theo quy mô dự án, số tiền này có thể từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, được thu tương đương 2% giá trị căn hộ và chuyển giao cho ban quản trị sau khi cư dân vào ở.

Lỗ hổng hệ thống

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu - Global Home một trong những lỗ hổng lớn khiến quỹ bảo trì dễ dàng bị thành viên ban quản trị rút ruột là do chưa có các quy chế, quy định đủ mạnh để quản lý chặt chẽ.

Đơn cử như việc chi quỹ bảo trì, theo quy định, với những khoản chi nhỏ, ban quản trị phải có ít nhất hai chữ ký của trưởng, phó ban. Với những khoản chi lớn, ban quản trị buộc phải thông qua hội nghị nhà chung cư để quyết định. 

Tuy nhiên, có thể thấy rằng những quy định này là hết sức chung chung. Hiện quy chế quản lý nhà chung cư cũng như các thông tư hướng dẫn quản lý vận hành chưa có quy định cụ thể về quy trình thu, chi quỹ bảo trì. 

Đó là chưa kể đến việc thành viên ban quản trị "thông đồng" với nhau để rút ruột. Ví dụ rõ nhất có thể thấy như tại chung cư tại quận Phú Nhuận, TP. HCM ở trên, trưởng và phó ban quản trị đã cùng đồng thuận để rút tiền từ tiền gửi, không thông qua các thành viên còn lại cũng như hội nghị nhà chung cư. 

Đây là bất cập rất lớn khiến quỹ bảo trì có thể tuỳ ý rút ruột để chuyển vào các tài khoản cá nhân của thành viên ban quản trị. 

Bên cạnh việc trực tiếp rút tiền từ quỹ bảo trì một cách lộ liễu như trên, còn một hình thức rút ruột quỹ bảo trì khác là kê khống số tiền chi cho việc bảo trì toà nhà. Với hình thức này, ban quản trị có thể thông đồng với nhà thầu cung cấp dịch vụ, nâng khống giá trị các hạng mục trong hợp đồng để "ăn" tiền chênh lệch.

Theo đại diện một công ty quản lý vận hành toà nhà, nguyên nhân dẫn đến việc ban quản trị có thể dễ dàng làm điều này là do họ không chịu sự giám sát của một hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ. 

Các ban quản trị chung cư đang hoạt động như mô hình công ty cổ phần. 

Các doanh nghiệp chịu sự chi phối của Luật Doanh nghiệp, các quy định về thuế, quy chế mua sắm hàng hoá, dịch vụ, mở tài khoản, phát hành hoá đơn đầu vào, thuế VAT. Mọi hoạt động của họ như mua sắm, quản trị tài chính nội bộ đều được kiểm toán, giám sát đầy đủ.

Tuy nhiên, hoạt động của ban quản trị nhà chung cư lại không có quy định cụ thể và không bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy định pháp luật. 

Tại nhiều chung cư, sau khi phát hiện sai phạm, cư dân muốn đưa kiểm toán độc lập vào để kiểm tra hoạt động của ban quản trị nhưng không được do ban quản trị gây khó dễ, không cung cấp đủ thông tin, hồ sơ, tài liệu. 

Một lỗ hổng rất lớn khác liên quan đến số tiền lãi từ quỹ bảo trì được gửi tại ngân hàng. Trong Luật Nhà ở 2023, khoản lãi phát sinh từ tiền gửi kinh phí bảo trì được quy định để sử dụng vào việc bảo trì toà nhà. 

Ngoài ra, các nguồn thu từ việc khai thác dịch vụ đối với phần sở hữu chung của chung cư cũng phải nộp vào tài khoản kinh phí bảo trì.

Trong khi đó, Luật Nhà ở 2014, khoản tiền rất lớn này hoàn toàn không có quy định rõ ràng, khiến thành viên ban quản trị tự ý rút tiền lãi làm "của riêng". 

Hình phạt chưa đủ răn đe

Bên cạnh các lỗ hổng trong quản lý quỹ bảo trì, theo ông Thành, cơ chế xử phạt các ban quản trị sai phạm là chưa đủ sức răn đe. Nhiều ban quản trị vi phạm pháp luật nhưng rất ít khi bị xử lý về mặt hình sự hay khởi tố.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ

CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU

Global Home

Trụ sở chính: 151 Bạch Đằng, Phường 2, Quận Tân Bình, TP. HCM.

Điện thoại / Fax: (028) 3848 8666

Hotline: 0888 816 618

Email: info@globalhome.vn

Website: www.globalhome.vn - www.quanlytoanha.org - www.quanlychungcu.org

Đăng ký nhận tin

Đăng ký nhận tin

Nhập email để nhận thông tin mới nhất từ CÔNG TY CỔ PHẦN QUẢN LÝ NHÀ TOÀN CẦU GLOBAL HOME
Email(*)
Trường bắt buộc

Gửi